Ly kỳ đền Hiển Trung trên đất Gia Định

02/06/2023 07:24 GMT+7

Vào tháng 10.1791, chúa Nguyễn Ánh cho lập đền Hiển Trung ở phía tây của thành Gia Định, nhằm vinh danh những bề tôi trung thành đã lấy lại được giang sơn họ Nguyễn ở Đàng Trong. Nhưng đền Hiển Trung, nơi thờ tự các bậc công thần, nay chỉ còn trong ký ức của các vị cao niên.

VỊ TRÍ ĐỀN HIỂN TRUNG TRÊN BẢN VẼ THÀNH Gia Định

Năm 1788, nội bộ Tây Sơn có nhiều biến động, khiến cho Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định và xưng vương, xây dựng trung tâm quyền lực tại đây. Năm 1790 chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng thành Gia Định - thành Quy - thành Bát quái làm kinh đô trước khi đại định thiên hạ dời về Phú Xuân, Huế. Tháng 10.1791, chúa Nguyễn Ánh đã cho lập đền Hiển Trung ở phía tây của thành Gia Định để thờ tự các bậc công thần nhằm vinh danh, làm rạng rỡ tên tuổi những bề tôi trung thành vì chúa Nguyễn Ánh lấy lại được giang sơn họ Nguyễn ở Đàng Trong.

Ngoài tên gọi đền Hiển Trung, công trình này còn có các tên gọi khác là miếu Công Thần (Temple des Grands Dignitaires), chùa Hiển Trung (Pagode de la Fidelite Eclatante), chùa Ao (Pagode des Mares)…

Ly kỳ đền Hiển Trung trên đất Gia Định - Ảnh 1.

Vị trí đền Hiển Trung trên bản vẽ thành Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học

TƯ LIỆU LƯƠNG CHÁNH TÒNG

Vị trí đền Hiển Trung được Khâm sai Chưởng cơ Giám thành sứ Trần Văn Học thể hiện trên bản vẽ thành Gia Định vào tháng 12.1815. Trên bản vẽ này, đền Hiển Trung nằm ở phía tây thành Gia Định, nằm giữa hai di tích là chùa Kim Chương (bên trái) và Thánh Miếu (bên phải) với ghi chú là Công Thần Miếu. Nay là khu đất thuộc đường Nguyễn Trãi (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM).

Tháng 6.1804, vua Gia Long sai Lễ bộ định nơi thờ các công thần ở đền Hiển Trung - Gia Định, cộng 1.015 người, gửi cho Lưu trấn thần chế bài vị để thờ: Chính điện thờ Chưởng hậu quân Võ Tánh, Lễ bộ Quận công Ngô Tòng Châu, Chưởng cơ Nguyễn Tiến Huyên. Hai bên tả hữu thờ Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Hội, Tống Viết Phúc, Mai Đức Nghị, Võ Di Nguy…; Nguyễn Hữu Thụy, Nguyễn Đình Thuyên, Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch…

Tiếp nối lòng thành ghi ơn của tiên đế, vua Minh Mệnh (1820 - 1840) lại tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động chỉ đạo tế lễ ở đền Hiển Trung, đồng thời xây dựng thêm một số công trình khác như miếu/đền Trung Hưng, Trung Tiết ở kinh thành Huế để thờ, vinh danh các bậc công thần đã có công với sự nghiệp họ Nguyễn trong lịch sử, trong đó có cả những bậc công thần vốn đã được thờ ở đền Hiển Trung.

Ly kỳ đền Hiển Trung trên đất Gia Định - Ảnh 2.

Phiếu gửi kèm công hàm giải trình việc đền Hiển Trung bị xóa sổ của Bộ Ngoại giao Pháp gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa

Năm 1832, sau khi vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính, xóa bỏ thành Gia Định, chia thành Lục tỉnh, nhiều mâu thuẫn xảy ra. Cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi kéo dài từ năm 1833 - 1835 làm cho triều đình kiệt quệ và vị thế của vùng đất Gia Định xưa cũng không còn được quan tâm như trước, việc chăm lo thờ tự miếu Hiển Trung ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Đến khi người Pháp chiếm được thành Phụng ở Gia Định vào năm 1859, họ đã lần lượt đánh chiếm chùa Khải Tường, chùa Kim Chương, đền Hiển Trung, Thánh Miếu, chùa Cây Mai lập phòng tuyến bao vây đại đồn Chí Hòa, gọi là phòng tuyến Pagode (Phòng tuyến chùa). Nhờ phòng tuyến này, quân Pháp đã tiếp tục hạ giải đại đồn Chí Hòa vào năm 1861.

TRẬN CUỒNG PHONG KINH HOÀNG NĂM NHÂM THÌN TẠI Sài Gòn

Đền Hiển Trung dần trở thành một doanh trại quân đội Pháp và là nơi trú ngụ cho quân viễn chinh cùng gia đình của các tướng lĩnh đi theo với tên gọi là thành/trại Ô Ma (Camp aux Mares).

Ly kỳ đền Hiển Trung trên đất Gia Định - Ảnh 3.

Kiến trúc được cho là một công trình thuộc đền Hiển Trung do người Pháp chụp

Việc quy hoạch, xây dựng, phân khu chức năng trại Ô Ma của người Pháp biến nơi đây thành doanh trại quân sự, không cho phép người dân bản xứ tới thăm nom thờ tự nên đã dần làm cho di tích bị xuống cấp trong một thời gian dài. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đền Hiển Trung bị xóa sổ trong một trận bão cuồng phong vào đêm 20.10.1952. Trong tâm thức của nhiều bậc cao niên còn nhắc trận bão năm Nhâm Thìn, đã phá hủy nhiều kiến trúc cũng như cảnh quan của Sài Gòn.

Học giả Vương Hồng Sển khi viết về đền Hiển Trung trong Sài Gòn năm xưa cũng đã kết tội người Pháp phá hủy di tích này, mà không hay rằng chính trận cuồng phong năm Nhâm Thìn (1952) đã xóa sổ di tích đền Hiển Trung. Điều này được minh chứng qua báo cáo của quân đội Pháp cho Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa vào ngày 24.1.1957, khi mà trước đó chính quyền sở tại trước việc di tích đền Hiển Trung bị xóa sổ, đã yêu cầu rất gắt gao người Pháp phải giải trình.

Sau khi tiếp quản thành Ô Ma từ người Pháp, chính quyền cũ đã đổi tên gọi là thành Cộng Hòa vào năm 1956. Mặc dù rất quan tâm sau khi tiếp quản khu vực đền Hiển Trung, nhưng do không còn dấu vết, không có tư liệu gốc cùng nhiều lý do khách quan của lịch sử, việc tâm huyết khôi phục di tích đền Hiển Trung không trở thành hiện thực. Không một ai có thể hình dung chi tiết kiến trúc cũng như không gian nội thất đền Hiển Trung. Vì vậy mà cho đến nay, di tích đền Hiển Trung - Công Thần Miếu - một cổ tích được đánh giá có giá trị lớn nhất trong các công trình kiến trúc thờ tự ở đất Gia Định xưa chỉ còn tồn tại trong ký ức của rất ít bậc cao niên và những dòng ghi chép ít ỏi trong sử liệu, vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được giải mã. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.