TAND H.Thanh Trì (Hà Nội) mới đây ra quyết định thụ lý vụ án dân sự về việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH thương mại và vận tải Phương Anh (gọi tắt Công ty Phương Anh), bị đơn là Công ty cổ phần vận tải biển Vinafaco (gọi tắt Công ty Vinafaco).
Nội dung khởi kiện cho thấy, tháng 1.2019, Công ty Phương Anh ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty Vinafaco.
Sáng 20.12.2023, tàu của Công ty Vinafaco vận chuyển 15 container chứa 45 ô tô mới nguyên chiếc của Công ty Phương Anh rời Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), đích đến là cảng Bến Nghé (TP.HCM).
Trưa 22.12.2023, tàu cập cầu Cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) để dỡ và xếp hàng rồi tiếp tục hành trình. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, khi di chuyển qua Cù Lao Chàm, 37 container rơi xuống biển.
Trong số container bị rơi có 14 chiếc của Công ty Phương Anh, ngoài ra một chiếc khác cũng bị xô lệch, móp méo.
Sau khi sự cố xảy ra, Công ty Phương Anh gửi thông báo tổn thất, yêu cầu Công ty Vinafaco bồi thường tương ứng giá trị 42 ô tô bị chìm, hiện chưa tìm thấy và 3 chiếc khác bị hư hỏng nặng.
Tuy nhiên, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên Công ty Phương Anh khởi kiện, yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 38 tỉ đồng.
Lỗi vận chuyển hay do bất khả kháng?
Công ty Phương Anh cho biết, cùng ngày xảy ra tai nạn, doanh nghiệp này đã yêu cầu Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt tổ chức giám định nguyên nhân, mức độ tổn thất. Đơn vị thực hiện là Công ty CP Giám định Phương Bắc Hà Nội (Nori Hà Nội).
Tại báo cáo giám định sơ bộ hồi tháng 12.2023, Nori Hà Nội đánh giá các thiết bị để cố định container trên tàu của Vinafaco "có tình trạng han gỉ cũ, hư hỏng biến dạng nặng; đặc biệt là vị trí các hộp chân đế container".
Đến tháng 5.2024, Nori Hà Nội có báo cáo giám định lần 2, tiếp tục đánh giá tình trạng các thiết bị cố định trên tàu như báo cáo sơ bộ trước đó.
Theo đơn vị giám định, tại thời điểm xảy ra tổn thất, vùng biển gần Cù Lao Chàm chịu ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc tăng cường (không ghi nhận yếu tố bất thường như giông, lốc, bão…). Đây là yếu tố đã được dự báo từ trước, không có yếu tố bất ngờ.
Cạnh đó, theo kiểm tra và phân cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam, với điều kiện thời tiết nêu trên, tàu của Vinafaco vẫn hoạt động được.
Đơn vị giám định vì thế cho rằng nguyên nhân dẫn đến tổn thất đối với lô hàng của Công ty Phương Anh là do các thiết bị chằng buộc trên tàu vận chuyển "có tình trạng kém, không đảm bảo việc chằng giữ an toàn…".
Vẫn theo phía nguyên đơn, ngày 9.9 vừa qua, TAND huyện Thanh Trì tổ chức buổi làm việc giữa nguyên đơn và bị đơn.
Tại đây, nguyên đơn cho rằng lỗi thuộc về các điều kiện tàu và container của Vinafaco không đảm bảo; tiếp tục bảo lưu quan điểm yêu cầu bồi thường.
Ngược lại, bị đơn dẫn báo cáo giám định của Công ty Giám định và Kiểm định Vietcontrol, cho rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất do "thiên tai bất khả kháng".
Phía Vinafaco nêu Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn đã phát hành văn bản xác minh tình hình thời tiết cho khu vực xảy ra sự cố. Theo đó, "từ 19 giờ ngày 22 đến 7 giờ ngày 23.12.2023 có mưa, mưa vừa. Gió đông bắc cấp 6 - 7, độ cao sóng dao động trong khoảng 1,75 - 4 m. Nếu hiện tượng gió mạnh, sóng lớn... gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội tại địa điểm nêu ở trên thì được gọi là thiên tai".
Liên quan đến sự cố, thuyền trưởng tàu của Vinafaco cũng trình bày thời tiết tại thời điểm xảy ra sự cố là "rất xấu". Ông này khẳng định mình và tất cả thuyền viên đã áp dụng tất cả các biện pháp đảm bảo an toàn cho thuyền viên, tàu, hàng hóa nhằm hạn chế tối đa tổn thất xảy ra, tuy nhiên sự cố trên là bất khả kháng.
Nguyên đơn cho biết thêm, tại buổi làm việc hồi tháng 5.2024, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt dẫn báo cáo giám định của Nori Hà Nội, xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố không thuộc rủi ro được bảo hiểm. Phía Bảo Việt cho biết sẽ có văn bản trả lời Công ty Phương Anh về việc có bồi thường hay không, song đến nay chưa thấy phản hồi.
Có hay không nguy cơ ô nhiễm môi trường?
Trong một diễn biến khác, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM mới đây có báo cáo xác minh về sự cố rơi container ra khỏi tàu vận chuyển nêu trên. Theo cảng vụ, hàng hóa chở trong các container bị rơi xuống biển là ô tô mới, không có lượng dầu hay nhiên liệu, hàng điện tử, phụ tùng, giấy, gạch... Vì vậy, không có yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
Cảng vụ Hàng hải TP.HCM do đó phân loại đây là tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng, đồng thời đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam không điều tra đối với sự cố này.
Tuy nhiên, phía Công ty Phương Anh cho rằng cần xác định đây là sự cố hàng hải nghiêm trọng. Lý do, trong số container bị chìm có nhiều ô tô điện, không chỉ hàng của Công ty Phương Anh mà của các doanh nghiệp khác, với tổng khối lượng pin trên 10 tấn.
Theo nguyên đơn, phần lớn là pin lithium - loại hóa chất độc hại, khi rơi xuống biển làm rò rỉ hóa chất nguy hiểm cho môi trường. Nội dung này chưa được Cảng vụ Hàng hải TP.HCM làm rõ, nên cần điều tra, xác định nguy cơ ô nhiễm môi trường, buộc Vinafaco trục vớt các container đã rơi xuống biển.
Bình luận (0)