Các phi công lái máy bay chiến đấu của Ukraine sẽ sớm có được loại vũ khí mà Mỹ lần đầu tiên triển khai bằng cách thả xuống từ máy bay ném bom tàng hình ở Kosovo năm 1999 và sau đó sử dụng trong nhiều chiến dịch quân sự thời hậu 11.9, theo The New York Times.
Máy bay chiến đấu Hàn Quốc thả 2 quả JDAM hồi tháng 10 |
chụp màn hình nyt |
Loại vũ khí này, có tên là "Đạn Tấn công Trực tiếp Kết hợp" (viết tắt tiếng Anh là JDAM), bao gồm một thiết bị có thể biến một quả bom rẻ tiền, không có dẫn đường thành vũ khí được dẫn đường bằng GPS với độ chính xác cao.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này đã thông báo rằng JDAM sẽ là một phần trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,85 tỉ USD, đem đến cho Kyiv khả năng ném bom dẫn đường chính xác mà nước này chưa từng có.
Mỹ định giúp Ukraine có "bom thông minh" dẫn đường bằng GPS |
Với loại thiết bị phù hợp, các máy bay của Ukraine có khả năng mang nhiều JDAM trong một nhiệm vụ, giống như các máy bay chiến đấu của Mỹ và NATO.
Vũ khí này là gì?
Về mặt kỹ thuật, JDAM đề cập đến một thiết bị được gắn vào bom dòng Mark-80 của quân đội Mỹ và biến nó thành vũ khí dẫn đường bằng GPS.
Đầu nổ của Mark-80 được thiết kế để dễ dàng lắp nhiều loại đuôi và ngòi nổ khác nhau để sử dụng trong nhiều tình huống. Trong nhiều thập kỷ, nhiều loại thiết bị "đính kèm" đã được sử dụng, phục nhiều mục đích như để ném bom tầm thấp, biến chúng thành mìn trên bộ và trên biển, và cuối cùng thành nhiều loại vũ khí dẫn đường khác nhau.
Đầu nổ của Mark-80 cũng được thiết kế để tạo ra ít lực cản hơn khi các máy bay siêu thanh mang theo chúng. Nó thường có ba kích cỡ khác nhau, từ 200 đến 900 kg, song không rõ Mỹ sẽ cung cấp loại nào cho Ukraine.
Kể từ lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu vào cuối những năm 1990, JDAM đã được cải tiến và các khả năng mới đã được bổ sung. Chúng có thể hoạt động với nhiều loại ngòi nổ giúp kiểm soát việc chúng sẽ phát nổ ở đâu: trong không trung, trên mặt đất hay sau khi chui xuống đất. Một phiên bản còn có thêm cánh mở ra sau khi quả bom được thả xuống, cho phép nó bay xa hơn 60 km hướng tới mục tiêu.
Chúng cũng tương đối rẻ, theo tính toán của Lầu Năm Góc. Một tờ thông tin của Hải quân Mỹ được cập nhật vào năm 2021 cho biết giá trung bình của JDAM cơ bản chỉ hơn 24.000 USD/bộ.
5 vũ khí chính trong gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine |
Nguồn gốc ra đời
JDAM ra đời từ sự thất vọng của các phi công và lãnh đạo Không quân Mỹ với một loại bom dẫn đường khác có tên là Paveway II trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991.
Vào thời điểm đó, ý tưởng này được coi là một cuộc cách mạng: Một thiết bị đắt tiền được gắn vào mũi và đuôi của Mark-80 có thể khiến quả bom không có dẫn đường này có thể bay theo đường đi của tia laser chiếu từ mặt đất hoặc từ máy bay phía trên. Song ở Iraq, bão cát và khói thường cản phá đường đi của chùm tia laser khiến quả bom trượt mục tiêu.
Nhiều tháng sau khi cuộc chiến đó kết thúc, Không quân Mỹ kết luận rằng các phi công quân sự cần một thiết bị không đắt hơn Paveway II và có thể dẫn đường cho bom trong mọi điều kiện thời tiết. Một chùm vệ tinh GPS mới chính là giải pháp khi chúng liên tục truyền đi tín hiệu vô tuyến có thể dẫn đường cho bom cả ngày lẫn đêm, dù mưa hay nắng.
Các lãnh đạo Không quân Mỹ đã đẩy nhanh công việc nghiên cứu một thiết bị tương tự để sản xuất thứ cuối cùng trở thành JDAM. Loại vũ khí này hiện được sản xuất bởi tập đoàn Boeing tại một nhà máy ở St. Charles, bang Missouri.
Tại sao Mỹ giờ mới trao những quả bom này cho Ukraine?
Không giống như một số vũ khí do Mỹ cung cấp, vấn đề không phải là thời gian huấn luyện hay chi phí bảo trì. Một số vấn đề cơ bản về phần cứng và phần mềm phải được giải quyết: JDAM không được thiết kế để sử dụng với bom do Nga sản xuất mà Ukraine đang dùng, trong khi máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ Nga của Ukraine không thể mang bom do Mỹ sản xuất.
Kể từ khi Ba Lan gia nhập NATO, một số máy bay chiến đấu MIG-29 của Nga đã được chuyển đổi để mang vũ khí phương Tây, nhưng điều đó đòi hỏi phải thay thế hệ thống vi tính do Liên Xô thiết kế và một số hệ thống dây điện bằng hệ thống của phương Tây..
Lầu Năm Góc không cung cấp nhiều thông tin về cách thức JDAM sẽ hoạt động ở Ukraine.
Mỹ từ chối yêu cầu vũ khí nào từ Ukraine? |
Vấn đề cần giải quyết là gì?
Năm 2022, về cơ bản, các kỹ sư phải làm sao để JDAM có thể hoạt động trên các máy bay có nguồn gốc từ Nga mà ít phải điều chỉnh nhất.
Các loại bom tiêu chuẩn được Mỹ và Nga sử dụng có thiết kế rất khác nhau, cũng như các thiết bị được sử dụng để gắn chúng vào máy bay chiến đấu và thả chúng xuống mục tiêu.
Bom do Mỹ sản xuất có hai vấu thép nhỏ cố định chúng vào các giá đỡ được thiết kế để giữ chúng vừa khít ở tốc độ cao và nhanh chóng đẩy chúng ra khỏi thân máy bay khi phi công nhấn nút thả. Trong khi đó, nhiều quả bom của Nga chỉ có một vấu và giá đỡ của chúng không tương thích với vũ khí do Mỹ sản xuất.
Quân đội Mỹ đã giải quyết phần khó khăn nhất của vấn đề này vài tháng trước, khi các phi công Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) do Mỹ sản xuất. Một bộ chuyển đổi đã được tạo ra để kết nối một thiết bị gọi là giá treo và các bộ phận khác giúp vũ khí gắn chặt vào máy bay.
Tên lửa AGM-88 HARM trên tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ |
chụp màn hình nyt |
Tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, một đội ngũ có tên Grey Wolf (Sói Xám) có nhiệm vụ hỗ trợ cho không quân Ukraine, bao gồm cả về chiến thuật và kỹ thuật.
Bao nhiêu JDAM đã được sản xuất?
Boeing cho biết trên website rằng họ đã sản xuất hơn 500.000 bộ JDAM cho Mỹ và các nước đồng minh.
Số lượng JDAM Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine vẫn chưa được công khai, mặc dù có khả năng đó sẽ là loại JDAM 200 kg ở giai đoạn đầu. Việc này đánh dấu sự gia tăng đáng kể về năng lực vũ khí dẫn đường chính xác của Ukraine.
"Điều đó rất quan trọng", ông Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, cho biết.
Bình luận (0)