M.U và 'vấn đề Ronaldo'

23/11/2021 08:42 GMT+7

Người sắp tới giữ ghế HLV trưởng M.U sẽ phải biết cách huấn luyện “10 người chống 11 người”. HLV ấy phải chấp nhận để Ronaldo tự do chơi bóng. Và phải hiểu nguyên lý huấn luyện Ronaldo nghĩa là huấn luyện các cầu thủ xung quanh Ronaldo. Thế mới hy vọng thành công.

Chưa biết ai sẽ thay chỗ Ole Gunnar Solskjaer dẫn dắt M.U (trong tư cách HLV chính thức), nhưng đó sẽ là HLV trưởng thứ 6 chỉ trong vòng 3 năm rưỡi của Cristiano Ronaldo. Siêu sao người Bồ Đào Nha và HLV Zinedine Zidane cùng chia tay Real Madrid sau chức vô địch Champions League 2018. Đến Juventus, Ronaldo lần lượt thi đấu dưới quyền các HLV Max Allegri, Maurizio Sarri, Andrea Pirlo. Mùa này, Ronaldo khoác áo M.U của Solskjaer. Thế là còn… ít. Ronaldo chỉ chuyển sang M.U sau khi đã đá 1 trận ở Serie A mùa này. Khi ấy, Juventus đã sa thải HLV Pirlo. Giả sử người thay chỗ Pirlo không phải là HLV cũ Allegri, thì coi như Ronaldo đã có thêm một HLV, nghĩa là có đến 7 “thầy” tính từ tháng 5.2018. Có câu… lắm thầy nhiều ma?

Ronaldo (trái) chỉ phát huy hết sức mạnh khi các vệ tinh xung quanh anh chơi thực sự tốt

AFP

Ở đội tuyển Bồ Đào Nha, Ronaldo chỉ có một HLV suốt nhiều năm nay, và như thế là đã… hơi nhiều. Chưa ai quên hình ảnh Ronaldo… chỉ trỏ bên ngoài đường biên. Đó là lúc Ronaldo đau chân, không thể đá tiếp, trong trận chung kết EURO 2016. Thật ra, Ronaldo không “tiếm quyền” HLV trưởng Fernando Santos. Chẳng qua, anh luôn tích cực chỉ bảo các cầu thủ khác, miễn sao đó là điều có lợi cho toàn đội. Mà chi tiết “có lợi cho toàn đội” thì quá hiển nhiên, khi Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016 và Nations League 2019. Trong đội tuyển màu bã trầu, HLV Santos biết cách chấp nhận và để Ronaldo thoải mái “làm gì thì làm”. Ông này còn phát biểu nhiều lần, đại khái là ai cũng mong ước có một siêu sao như Ronaldo để phụ thuộc. Vấn đề là Santos rất giỏi, chứ chẳng phải… không biết gì, khi ông chọn con đường phụ thuộc vào Ronaldo. Ở Real trước đây, khi Zidane chỉ mất 2 mùa rưỡi để có 3 chức vô địch Champions League liên tiếp, giới chuyên môn cũng đã thống nhất nhận định, rằng chi tiết quan trọng nhất giúp ông thành công là biết cách quản lý các ngôi sao, cỡ Ronaldo. Thực chất cũng chỉ là Zidane khiến Ronaldo thoải mái chơi bóng, dù báo giới nói Zidane “quản lý Ronaldo” trong khi Santos “phụ thuộc Ronaldo”.

Nhìn chung, Ronaldo thành công nhiều hơn thất bại, khi anh thi đấu dưới sự huấn luyện của quá nhiều HLV khác nhau. Hai trường hợp gần đây nhất lại chính là 2 HLV... dở nhất. Nói thẳng ra thì Solskjaer và Pirlo đều chưa làm được điều gì đáng kể để chứng tỏ họ biết huấn luyện, trước khi cầm quân ở M.U và Juventus. Đâu là chỗ khác biệt? Chỗ mấu chốt khi các HLV Santos hoặc Zidane để cho Ronaldo tự do chơi bóng theo ý mình (thậm chí “chỉ đạo” cả đồng đội) là họ phải thành công trong việc thuyết phục các cầu thủ khác. Tuyển Bồ Đào Nha còn có Bernardo Silva, Joao Felix, Bruno Fernandes, Diogo Jota… CLB Real có Karim Benzema, Gareth Bale, Luka Modric, Toni Kroos… Rất nhiều ngôi sao, chỉ mới nói riêng hàng công. Làm sao để họ vẫn phát huy giá trị của mình khi thi đấu xoay quanh Ronaldo. Đó mới là việc rất khó.

Khi phụ thuộc vào Ronaldo thì Bồ Đào Nha của Santos và Real của Zidane phải chấp nhận giảm bớt tính sáng tạo, nguy cơ bị đối phương “bắt bài” tăng lên. Hệ quả là các vị trí xung quanh phải hoạt động tích cực hơn, linh hoạt hơn. Số liệu thống kê về quãng đường di chuyển, biểu đồ nhiệt, các điểm nhận và chuyền bóng… đều đã cho thấy điều này. Không làm được như thế thì sẽ thất bại thảm hại - giống như tình trạng chưa đủ hỏa hầu, công lực mà cố luyện những môn võ cao cấp, dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma” trong tiểu thuyết kiếm hiệp vậy!

Ở M.U, Ronaldo chỉ ập vào gây áp lực (nói theo thuật ngữ chuyên môn là “pressing tầm cao”) bình quân 2,36 lần mỗi 90 phút, khi đối phương có bóng tại sân nhà. Ronaldo chính là cầu thủ tấn công có chỉ số này thấp nhất trong toàn bộ giải Premier League. Một chút so sánh: tiền đạo Timo Werner của Chelsea có đến 11,9 lần gây pressing trên phần sân đối phương mỗi 90 phút - cao hơn rất, rất nhiều lần! Nói cách khác thì hễ M.U không có bóng, coi như họ “chấp” đối phương một người, do Ronaldo hầu như không làm việc. Cũng dễ hiểu vì sao Ronaldo, ở độ tuổi này, rất ít di chuyển khi đối phương giữ bóng. Đó thậm chí còn là chỗ khôn ngoan của riêng anh. Nhưng nếu đồng đội xung quanh không vận hành một cách phù hợp, thì tình trạng này có thễ dẫn đến thảm họa.

“Vấn đề Ronaldo” không nằm ở bản thân Ronaldo, mà là HLV phải biết cách điều khiển các cầu thủ xung quanh Ronaldo. Bản thân anh vốn dĩ không thuộc về trường phái hay triết lý huấn luyện nào, do đã chơi bóng dưới quá nhiều cách huấn luyện khác nhau. Do vậy, HLV khôn ngoan càng không nên nghĩ nhiều về việc huấn luyện Ronaldo. Họ phải biết cách huấn luyện “phần còn lại” trong đội, sao cho Ronaldo thuận lợi để phát huy chính mình. Giống như việc huấn luyện 10 người chống 11 người vậy!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.