‘Ma men’ tự kể: Ông bà tôi uống nhiều có sao đâu!

09/02/2017 06:19 GMT+7

Không phải chuyện trên bàn nhậu, mà PV Thanh Niên đã đến tận giường bệnh, nghe các “ma men” kể chuyện của mình.

Hơn 30 năm uống rượu
Chúng tôi đến Khoa Nhiễm A Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) vào ngày 6.2. Ông N.T.N (57 tuổi, quê H.Tân Châu, Tây Ninh) đang ngồi ngoài hành lang hóng mát. Ông cho biết: “Tôi bị xơ gan do rượu đã 7 năm, điều trị nhiều lần. Cách đây 7 ngày, thấy người mệt mỏi nên phải tái nhập viện”. Trước mặt chúng tôi, nước da ông N. vàng hẳn và sạm do xơ gan, đôi mắt vàng khè chuyển sang màu xanh mờ, trông người tiều tụy.
Ông N. kể, năm 20 tuổi đã uống rượu. Hồi đó gia cảnh khó khăn nên uống cho vui với bạn bè. Cứ chiều chiều, 5 - 6 người uống khoảng 1 lít rượu trắng để giải… mỏi! Đến khoảng 40 tuổi, ông có hàng chục héc ta cao su, mà mủ cao su lúc đó có giá, nhà có của ăn, của để, ông bắt đầu uống nhiều rượu hơn.
Ông N. kể: “Sáng sớm đi ăn sáng mà gặp 3 - 4 người bạn là “quất” ít nhất 1 lít rượu. Sau đó, chỗ nào tiệc tùng hay bạn nhậu “hú” là “quất” tiếp. Cứ có “độ” là uống, không kể bia hay rượu...”. Tính bình quân, riêng rượu, mỗi ngày ông N. uống không dưới 1 lít. Ngày này qua ngày khác cứ thế trôi đi, kéo dài đến 10 năm. Vợ cảnh báo ông coi chừng bệnh gan vì nhiều bạn nhậu dù nhỏ tuổi hơn ông nhưng bị xơ gan cổ trướng đã “ra đi”. Ông xua tay bảo: “Tụi nó nhậu không ăn nên chết, còn tui uống, ăn cả tô cơm nên không sao!”. Ông ỷ lại “truyền thống” từ thời ông nội, ba mình uống rất nhiều rượu nhưng chẳng ai bị làm sao cả!
Đến năm 2010, ai cũng chê da ông xấu, vàng như nghệ. Nghe hoài cũng sợ, ông đi TP.HCM kiểm tra ở một BV tư, nơi này báo xơ gan, ông không tin. Khi vào BV Chợ Rẫy khẳng định một lần nữa thì ông tin và lấy thuốc về uống.
Nhưng về đến nhà, thuốc chưa kịp uống viên nào thì ông xuất huyết tiêu hóa qua đường hậu môn và đường miệng ồ ạt. Có lần ông bị trào bọt mép, ngất ngoài đồng, được cấp cứu ở BV địa phương. Sau đó ông đến BV Bệnh nhiệt đới điều trị. 6 - 7 năm nay ông bỏ hẳn rượu. Ông N. trầm tư: “Có lần mới nhậu với bạn hôm trước, hôm sau người ta rủ đi đám ma, hỏi ra mới biết bạn nhậu của mình bị tai biến chết! Giờ tôi sợ lắm. Mọi người nên uống vừa vừa thôi. Hai thằng con trai tôi giờ nhậu ghê lắm, thấy tôi vậy mà nó vẫn không sợ!”.
Băng nhậu đã chết mấy người
Đang nuôi chồng (là ông N.V.V, 47 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) bị xơ gan cũng ở BV Bệnh nhiệt đới, bà H. kể: “Băng nhậu của ổng đã chết mấy người do bệnh gan. Em bà con của ổng uống còn dữ hơn ổng, cứ khát nước là mua bia uống, xỉn ngủ, tỉnh dậy kêu vợ mua bia uống tiếp. Nó mới chết hôm mùng 7 tết khi mới 36 tuổi, còn ổng mùng 8 thì nhập viện”. Ông V. quay đầu chầm chậm về phía vợ hỏi: “Ủa, nó chết rồi hả?”. “Nó chết chôn rồi”, bà H. nói với chồng. “Nó viêm gan”, ông V. nói về em họ mình.
Sáng 6.2, ông V. được điều dưỡng chọc kim lấy ra khoảng... 5 lít dịch từ bụng nhưng bụng ông vẫn còn căng tròn, đôi chân thì sưng phù. Nằm trên giường bệnh, ông V. kể: “Tôi uống rượu từ năm 17 - 18 tuổi. Khi ngoài 20 tuổi, bạn bè rủ rê nên uống nhiều hơn, không nhớ nổi uống bao nhiêu cữ mỗi ngày”. Vợ ông V. tiếp lời “chuyện đời tự kể” của chồng: “Ổng mở mắt ra là nhậu. Thường cữ nhậu của ổng là 9 giờ, đến 11 giờ thì say và ngủ. Vài giờ sau tỉnh dậy đi uống tiếp. Thông thường kết thúc ngày nhậu của ông khoảng 23 giờ. Từ lúc lấy vợ, sinh con, ổng ít đi làm nhưng lại uống nhiều rượu bia. Năm 35 tuổi ổng bị bệnh xơ gan, căn nhà đang ở bán đi mua nhà nhỏ hơn để lấy tiền điều trị cho ổng. Đến 4 lần bán nhà, gia đình giờ phải ở nhà thuê”.
Theo bà H., 5 ngày trước khi ông V. vào BV Bệnh nhiệt đới (là lần thứ 4 ông nhập viện) thì vẫn còn lai rai với bạn bè, sau đó ăn uống không nổi, bụng trương to lên. Nhập viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị xơ gan, nhiễm trùng máu. PV hỏi: “Có bệnh sao ông không cữ bia rượu?”. Ông V. bảo: “Tết gặp anh em thì phải uống. Mấy năm trước biết xơ gan nhưng vẫn uống, giữ lắm cũng không được!”.
Khi nói về những bệnh nhân xơ gan, một bác sĩ ví von: Xơ gan là bản án tử hình đã tuyên nhưng chưa thi hành. Việc bệnh nhân tử vong sớm hay muộn tùy thuộc vào phương pháp phòng ngừa, mức độ bệnh và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.