‘Ma trận’ phí chồng phí khi dùng thẻ tín dụng quốc tế

11/03/2022 14:42 GMT+7

Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, người dùng phải trả rất nhiều loại phí. Đó là lý do mà hiện nay nhiều người đã bắt đầu tính đến việc dùng thẻ tín dụng nội địa - sản phẩm mà các ngân hàng trong nước đang phát triển mạnh mẽ.

Suốt 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và nhận thức của người tiêu dùng Việt trong việc chi tiêu và mua sắm, chuyển dần sang việc thanh toán không sử dụng tiền mặt. Trong bối cảnh ấy, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành là công cụ thanh toán đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Thẻ tín dụng nội địa đang tăng trưởng mạnh mẽ với mức phí rẻ hơn thẻ tín dụng quốc tế
ngọc thắng

Báo cáo nghiên cứu “Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng năm 2021” của Công ty Nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng hiện tại chưa được cao, với 46%. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm có tiềm năng và mức độ tăng trưởng rất lớn khi số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai là 34%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 31.12.2021, đã có 12/46 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% so với năm 2019); số thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm; tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 224.163 tỉ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm trước).

Phát biểu tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” diễn ra sáng 11.3, do NHNN, Báo Lao Động và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức, ông Lê Văn Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ.

Ngoài ra, sự phát triển của thẻ tín dụng nội địa cũng là sự khẳng định về mặt công nghệ của Việt Nam, khi mà hạ tầng thanh toán trong nước có thể sử dụng đồng tiền Việt để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.

Dùng thẻ tín dụng nội địa phí rẻ hơn

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, đã nêu lên một nghịch lý rất đáng quan tâm: có rất nhiều người đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải thẻ nội địa cho các mục đích tiêu dùng trong nước.

“Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, chúng ta sẽ phải trả những chi phí rất lớn. Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí. Các ngân hàng Việt Nam đang phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. Chủ thẻ cũng phải trả rất nhiều phí cho các tổ chức thẻ. Rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ của Việt Nam cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải. Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa?”, ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ.

Để giải quyết được bài toán này, ông Khoa cho biết, VietinBank đã hướng tới giải pháp thiết thực nhất để thu hút người dùng chuyển sang thẻ nội địa là tiết kiệm chi phí. Theo đó, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng, gọi là đại tiệc phí, như phí thường niên, phí tin nhắn khi sử dụng trong khi vẫn đảm bảo toàn bộ các tiện ích như thẻ tín dụng quốc tế.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

LDO

Đồng tình với quan điểm của ông Khoa, ông Lê Văn Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cũng cho rằng thẻ tín dụng nội địa làm giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên, đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ.

Một ưu thế khác của thẻ tín dụng nội địa so với thẻ tín dụng quốc tế là khả năng tiếp cận tới mọi phân khúc người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều người dân Việt Nam ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi với dịch vụ thẻ tín dụng nhưng còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn chưa tiếp cận được dịch vụ hữu ích này vì nhiều lý do như ngôn ngữ hay thủ tục. Thẻ tín dụng nội địa đã giải quyết tất cả vấn đề này nhờ thủ tục đơn giản và nhanh chóng cũng như dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng chu đáo tới từ các đơn vị phát hành thẻ.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, không chỉ vượt trội hơn về chi phí cũng như khả năng tiếp cận, thẻ tín dụng nội địa cũng đảm bảo đầy đủ tiện ích như các loại thẻ quốc tế. Ngoài ra, việc sử dụng thẻ nội địa cũng mang lại sự ổn định hơn so với thẻ quốc tế, bởi khi hợp tác với các công ty nước ngoài thì các ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối, mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ở mức độ tối ưu. “Động lực phát triển của chúng tôi là thẻ quốc tế làm được cái gì thì thẻ tín dụng Việt Nam cũng làm được cái đó. Từ công nghệ mới lạ đến thiết kế sành điệu”, ông Khoa cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.