Ma trận thuốc điều trị Covid-19 'ngoài luồng'

19/02/2022 06:27 GMT+7

Sự quá tải của hệ thống y tế cơ sở là một trong những lý do dẫn đến việc người dân phải xoay xở tìm mua thuốc ngoài luồng để tự điều trị Covid-19 .

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát tại các địa phương phía bắc như TP.Hải Phòng, Quảng Ninh… Sự quá tải của hệ thống y tế cơ sở là một trong những lý do dẫn đến việc người dân phải xoay xở tìm mua thuốc ngoài luồng để tự điều trị.

Covid-19 sáng 19/2: Cả nước 2.685.463 ca nhiễm | Nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân hậu Covid-19

Thuốc “ngoại” không rõ nguồn gốc hút khách

Tại Hải Phòng, trên các diễn đàn, mạng xã hội, rất nhiều đơn thuốc chữa Covid-19 được chia sẻ kèm luôn bán thuốc. Các loại thuốc được quảng cáo là “điều trị Covid-19” của Ấn Độ, Nga, Trung Quốc được rất nhiều người hỏi mua. Trong đó, loại thuốc được cho là trị cúm của Đông y Trung Quốc có giá rẻ nhất, khoảng 160.000 đồng/hộp 24 viên. Loại này còn có cả dạng bột cho trẻ con. Theo những người rao bán, liều điều trị của loại này cần 4 hộp, ngày uống 3 lần và mỗi lần 4 viên.

Trong khi đó, thuốc Molnupiravir có giá từ 2,1 - 5,5 triệu đồng/hộp; Favipiravir từ 2,6 - 5 triệu đồng/hộp và Arbidol (của Nga) giá 650.000 đồng/hộp.

Tương tự, tại Quảng Ninh, nhiều người đi tìm mua các loại thuốc được cho là kháng Covid-19 do Trung Quốc, Nga sản xuất và được bán trôi nổi trên mạng xã hội. Trong đó, 2 loại thuốc được nhiều người tìm mua là Favipiravir và Liên Hoa Thanh Ôn.

Theo lời quảng cáo trên Facebook, Liên Hoa Thanh Ôn là thuốc y học cổ truyền duy nhất được chính phủ Trung Quốc khuyên dùng trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Thế nhưng trên bao bì loại thuốc này không hề có chữ tiếng Việt, liều lượng ra sao đều do người bán tự ý kê đơn. Hiện thuốc Favipiravir do Nga sản xuất dao động từ 2,8 - 3 triệu đồng/hộp, Liên Hoa Thanh Ôn có giá 100.000 đồng/hộp.

Tiềm ẩn nguy cơ khôn lường

Theo khảo sát của Thanh Niên, các loại thuốc trên được bán tràn lan, không có căn cứ xác định nguồn gốc, người bán hầu hết chỉ là những người trước đó vốn bán đủ mặt hàng online chứ cũng không có chứng chỉ hành nghề dược và tất cả các trường hợp F0 đều có chung một cách hướng dẫn sử dụng.

Thực tế ghi nhận từ một số bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc Đông y Trung Quốc cho thấy họ gặp cảm giác ợ nóng, nôn nao sau khi uống thuốc này.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định, 2 loại thuốc Favipiravir và Liên Hoa Thanh Ôn chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường, cũng như đưa vào phác đồ điều trị Covid-19. TS-BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc CDC Hải Phòng, cho biết: “Việc người dân tự mua thuốc ngoài luồng điều trị dễ gây hệ lụy khôn lường. Thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm có thể gây ra tình trạng giả triệu chứng bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng giai đoạn, bệnh có thể gây rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh”.

Sẽ siết chặt việc quản lý

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, cho biết qua kiểm tra của đơn vị hiện chưa phát hiện nhà thuốc, cửa hàng y tế nào bán các mặt hàng biệt dược trị Covid-19 nhập lậu. Hiện nay trên mạng xã hội có tình trạng cá nhân tự bán, trao đổi với nhau nhưng khó kiểm soát, bắt quả tang.

Hà Nội 'lập đỉnh' với gần 4.600 ca Covid-19, đỉnh điểm 143.500 F0 đang điều trị

Được biết, mới đây Hải quan và Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc tân dược, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, Sở Y tế Hải Phòng đã yêu cầu các cơ sở hành nghề y dược tư nhân phải phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế lưu động trong quản lý, điều trị F0 tại nhà và thường xuyên thông tin tình hình bệnh nhân cho trạm y tế lưu động. Khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng thì kịp thời phát hiện, liên hệ ngay với trạm y tế lưu động để hội chẩn chuyển tầng điều trị, không để xảy ra tình trạng chuyển tuyến chậm, muộn.

Thanh tra Sở Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với phòng ban chuyên môn và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện các quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn. Nếu phát hiện sai phạm, lực lượng chức năng sẽ xử phạt theo quy định và đề xuất Giám đốc Sở Y tế thu hồi giấy phép hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.