"Bùa lưỡi" chứa loại ma túy nguy hiểm
Sau nhiều năm "vắng bóng", LSD tái xuất với những kiểu biến hình khó lường, được tẩm vào các miếng giấy như đồ chơi, gán cho những cái tên mỹ miều như "bùa lưỡi", "tem giấy"
LSD (lysergi acid diethylamide) là chất gây ảo giác cực mạnh, được xem là một trong số loại
ma túy nguy hiểm nhất thế giới. Được tổng hợp thành công vào năm 1943, hoạt chất này ban đầu ra đời với mục đích góp phần chữa các căn bệnh về thần kinh. Do nhiều người lạm dụng LSD như một chất kích thích, từ cuối thập niên 1970, chất này bị ngừng sản xuất.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết: "Khi sử dụng LSD, người ta không còn ở thế giới hiện tại nữa mà như sống trong một thế giới ảo. Nó làm các giác quan trở nên méo mó. Ví dụ khi chúng ta ngồi đây, LSD sẽ làm cho căn phòng như đầy màu sắc, rất rực rỡ, còn đồ vật sẽ xoay chuyển, bay lượn".
Bác sĩ Thắng cho biết thêm: "Nguy hiểm nhất là những cơn
hoang tưởng cấp, những cơn hoảng loạn cấp. Con người rơi vào tình trạng đó không biết sẽ làm gì, có thể giết người, có thể gặp nạn. Thuật ngữ y khoa gọi triệu chứng đó là "bad trip" - một chuyến đi tệ hại. Người dùng LSD "trải nghiệm" một cảm giác hoảng sợ. Chính cái hoảng sợ đó gây hậu quả rất lớn về sau này. Điều đáng sợ của LSD là một khi đã nếm trải nó, sau một tuần, vài tuần, vài tháng, thậm chí sau vài năm không dùng lại, người ta vẫn có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn, ảo giác".
"Bùa lưỡi" rình rập cổng trường
Tại TP.HCM hiện nay chưa có trường hợp nhập viện do sử dụng bùa lưỡi/tem giấy có tẩm ma túy LSD được xác nhận.
Tuy nhiên, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa Tâm thần 3, Bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân, cho biết đầu tháng 9, phòng khám của ông có tiếp nhận hai bệnh nhân, một em bé 13 tuổi và một người trưởng thành 29 tuổi, trong tình trạng bị loạn thần. Cả hai bệnh nhân đều sử dụng "bùa lưỡi", "tem giấy".
|
Bệnh nhân học sinh 13 tuổi ngậm "bùa lưỡi" đến miếng thứ 10 thì thấy mẹ mình mọc răng nanh. Bệnh nhân 29 tuổi ngậm "tem giấy", lớn cỡ cái sim điện thoại di động, đến miếng thứ 5 thì có triệu chứng loạn thần.
Trường hợp bệnh nhân 13 tuổi, em không hề biết đó là ma túy. Em chỉ nghĩ đó là một trò chơi mới, khá thú vị, được bán trước cổng trường.
Đó thực sự là một nỗi lo lớn của nhiều phụ huynh khi ma túy độc hại được ngụy trang dưới lớp vỏ trò chơi vô hại để lôi kéo học sinh....
Còn tiếp...
Bình luận (0)