'Mặc áo giáp sắt' cho sầu riêng

12/11/2020 06:33 GMT+7

Với sáng kiến làm lồng sắt bao bọc trái sầu riêng trồng trên núi Cấm không bị sóc, nhen... cắn phá, mỗi năm ông Trần Hoàng Anh (54 tuổi, ngụ xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) thu lãi trên 100 triệu đồng.

Vượt qua cung đường hiểm trở để lên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) ở xã An Hảo, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến vườn sầu riêng của ông Hoàng Anh. Mỗi trái đều được bao bọc bởi những lồng sắt kiên cố, trông thật lạ mắt.
Ông Hoàng Anh cho biết nhờ lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng nên hầu hết các giống sầu riêng được trồng ở đây đều phát triển tốt. Sầu riêng trồng trên núi lâu cho trái so với trồng ở đồng bằng, nhưng lại rất ít tốn công chăm sóc, đặc biệt là hoàn toàn không cần sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với 20 công đất trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, ông Hoàng Anh trồng hơn 30 gốc sầu riêng bằng cách rất đặc biệt. Đó là trùm lồng sắt để bảo vệ trái khỏi bị các loài động vật cắn phá, cũng như nâng đỡ cho trái để khi chín không bị rơi rụng xuống vách núi.
Ông Hoàng Anh kể trước kia ông trồng rất nhiều cây ăn trái như quýt, bơ... nhưng năng suất không cao, do địa hình đồi núi có nhiều sóc, nhen sinh sống, chúng kéo đến cắn phá. Vì vậy, ông quyết định chuyển sang trồng sầu riêng với nhiều giống: sầu riêng rừng, sầu riêng Monthong và sầu riêng Ri 6. Quá trình trồng, ông nảy sinh ý tưởng trùm lồng sắt để bảo vệ trái, gia tăng năng suất, nâng cao thu nhập và ví von là cho sầu riêng “mặc áo giáp sắt”.
Tận dụng những miếng tôn cũ kết hợp lưới sàng cát, ông làm nên những chiếc lồng vừa độc lạ, vừa vô cùng hữu ích. Kích thước mỗi lồng tương ứng với số trái cùng chùm, có thể 60 cm x 60 cm, thậm chí lớn hơn để trùm cùng lúc 3 - 4 trái sầu riêng. “Đơn giản lắm, tôi dùng 1 miếng tôn cũ rồi đục lỗ xung quanh và mua lưới cước (loại lưới sàng cát) khoanh tròn lại. Sau đó cắt dây chì ra từng đoạn nhỏ, buộc lại rồi bao vào trái sầu riêng để tránh sóc, nhen ăn trái”, ông Hoành Anh cho biết.
Sầu riêng bắt đầu ra hoa từ tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tháng 4 năm sau mới thu hoạch. Với kinh nghiệm của mình, hễ quan sát thấy sầu riêng vừa già, ông Hoàng Anh sẽ dùng lồng sắt bao xung quanh để bảo vệ trái cho đến khi chín. Đặc biệt, ông đều để trái chín tự nhiên, đến khi rụng vào lồng mới leo lên thu hoạch. “Sầu riêng trồng trên núi để trái chín và rụng tự nhiên chứ không bẻ như sầu riêng trồng dưới đồng bằng. Thường vào mùa thu hoạch thì mỗi ngày rụng chỉ vài trái chứ không rụng đồng loạt. Vậy nên nhiều người muốn ăn được trái tại gốc phải đặt trước, có khi cả tháng mới có”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Đặc biệt, sầu riêng trồng trên núi Cấm có tỷ lệ đậu trái rất cao và trái to. Bình quân, mỗi cây cho từ vài chục đến gần 100 trái; trọng lượng từ 4 - 6 kg/trái, cá biệt có trái nặng gần 10 kg. Giá bán tại vườn khoảng 100.000 đồng/kg nhưng thường không đủ cung ứng cho thị trường. Nhờ đó, mỗi năm ông Hoàng Anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.