Trong mùa dịch Covid-19, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái lao đao vì khó tìm được thương lái đến mua. Ngoài ra, các nhà hàng, quán ăn, khu du lịch đều đóng cửa và người dân hạn chế đi lại... nên sản phẩm không tiêu thụ được nhiều. Riêng tại ĐBSCL, thủ phủ của những vườn cây ăn trái, còn gặp phải hạn mặn khốc liệt kéo dài khiến nhiều vườn sầu riêng khô kiệt, cháy lá, xác xơ, trái non rụng đầy vườn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, làm nhiều nhà vườn thất thoát, có người trắng tay.
Ông Thảo cho biết giữa lúc hạn mặn, nước “quý như vàng”, nhiều người phải sử dụng nước dự trữ nhưng không bao lâu thì khô cạn; có người đi lấy nước từ xa hoặc mua nước tưới cầm chừng cho cây... nhưng cũng không ít người bất lực nhìn vườn sầu riêng khô kiệt. “Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, tôi quyết định khoan giếng lấy nước. Để đủ nước tưới cho 3 ha sầu riêng đang cho trái, tôi phải khoan 3 giếng, mỗi giếng sâu 400 m, chi phí tổng cộng trên 360 triệu đồng”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, với 3 ha sầu riêng, bình quân mỗi năm ông thu hoạch trên 30 tấn trái. Đặc biệt, năm nay trái rất sai, sai hơn cả năm rồi, ban đầu ước lên đến 50 tấn. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, do ảnh hưởng những trận mưa đầu mùa, nước mưa có a xít nên trái bị teo tóp và rụng khá nhiều khiến ông rất hoang mang. Để khắc phục tình trạng hư hao trái, ông Thảo tích cực bón phân, tưới tiêu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc bằng cách thiết kế hệ thống tưới phun tự động, kể cả phun phân thuốc, nên vừa tiết kiệm được lượng nước vừa giảm thiệt hại.
|
Sau những trận mưa đầu mùa cùng ảnh hưởng bởi hạn hán, ông Thảo ước tính sản lượng trái năm nay giảm khoảng 50%. Nhưng theo đánh giá của ông, nếu mức giá ổn định từ 60.000 đồng/kg trở lên thì ông sẽ thu được khoảng 1,5 tỉ đồng (các năm trước là 2 tỉ đồng) tiền bán sầu riêng. Thực tế, vườn sầu riêng của ông Thảo vừa bán trái, vừa là vườn du lịch sinh thái.
Do vậy, kể từ sau thời gian giãn cách xã hội, khách du lịch bắt đầu đến tham quan, mua trái cây ăn tại vườn hoặc mang về nhà. Hiện nay, sầu riêng bắt đầu chín, mỗi ngày ông Thảo bán tại vườn trên 300 kg với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg (tùy loại) nhưng không đủ bán.
Chị Nguyễn Thanh Xuân, một khách du lịch ở TP.Bến Tre (Bến Tre), cho biết sầu riêng vườn ông Thảo rất thơm ngon, chất lượng an toàn vì hầu hết là trái chín cây. Đặc biệt, ông không xử lý hóa chất nên ai cũng ưa thích mặc dù giá cao hơn bên ngoài.
Vườn 3 tầng
Ngoài sầu riêng, ông Thảo còn có sáng kiến lập vườn theo kiểu 3 tầng. Tầng cao ông trồng sầu riêng, tầng thấp trồng kiểng (lá gồm cật mật và trúc bách hợp) và tầng dưới ông đào ao nuôi cá. Ngoài ra, ông còn có 5 công đất trồng toàn cây kiểng cổ thụ, mỗi cây có giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vợ ông Thảo, cho biết trước đại dịch Covid-19, chỉ riêng cây cật mật và cây trúc bách hợp, mỗi tháng gia đình bà thu nhập trên 50 triệu đồng.
|
Bình luận (0)