Tối 30.1, Đội Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Văn Đồng – con đường được mệnh danh là phố ăn nhậu ở TP.HCM.
Dù TP.HCM vừa có ca mắc Covid-19, người dân được khuyến cáo chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch nhưng các quán nhậu vẫn đông đen người đi nhậu. Đáng nói hơn, nhiều người nhậu say bét nhè nhưng vẫn tự chạy xe về. Gặp CSGT thì cù nhây với đủ lý do không chịu ký biên bản.
Nhắm mắt chạy xe
Tại giao lộ Phạm Văn Đồng – Lê Quang Định, hướng từ cầu Bình Lợi về sân bay Tân Sơn Nhất, khi CSGT đang xử phạt vi phạm nồng độ cồn thì bỗng nghe tiếng “Rầm”, CSGT vội chạy đến để đỡ mọi người đứng lên thì một thanh niên tên Lê Minh Sang (39 tuổi) mặc áo kẻ sọc vẫn nhắm mắt nằm úp mặt xuống đất, người nồng nặc mùi bia.
|
|
May mắn, 2 người bị anh Sang húc đuôi xe khi dừng đèn đỏ không bị thương tích gì, riêng anh Sang bị chảy máu ở chân mày, gãy mắt kính.
CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn, anh Sang từ chối thì CSGT phân tích: “Này anh đang giúp em đó, em chạy xe kiểu đó mà ngoài xa lộ là chết rồi. Em nhắm mắt em chạy không à, em không mở mắt luôn đo. Giờ cứ đo đi, chấp hành đi nha”.
Nghe CSGT nói xuôi tai, anh Sang ngậm ống thổi. Kết quả đo nồng độ cồn của anh Sang là 1,044mg/lit khí thở. Sau khi CSGT lập xong biên bản, anh Sang không ký rồi bắt bẻ từng câu chữ trong biên bản, nhờ CSCĐ soi đèn để đọc cho kỹ. Cầm tới lui tờ biên bản, anh Sang lắc đầu, phải 15 phút sau anh mới chịu ký vào biên bản.
Với mức vi phạm này, anh Sang bị phạt 7 triệu, tạm giữ xe 7 ngày và tước bằng lái 23 tháng.
|
|
Trường hợp khác, ông Nguyễn Đình Kha – điều khiển xe ô tô có mức nồng độ cồn trong hơi thở là 0,254mg/lit khí thở. Ban đầu, ông Kha chấp hành thổi nồng độ cồn nhưng sau thì không xuất trình giấy tờ khi thấy mình vi phạm. Ông Kha nói: “Người nhà anh làm bộ trưởng, anh là em của anh L. đó”, CSGT đáp: “Anh L. nào tôi không biết, anh cứ chấp hành đi”. Nhưng ông Kha vẫn đi tới lui gọi điện thoại nhờ chi viện, một hồi sau ông nói với PV: “Tôi lái xe nên đâu dám uống đâu, uống có lon rưỡi à, có chừng mực đàng hoàng. Tôi vẫn chạy xe về được, phạt phải đúng quy định chứ, luật gì mà uống tí xíu cũng phạt”.
Sau nửa tiếng, ông Kha ký biên bản nhưng những người trên xe không chịu xuống để giao xe cho CSGT. Một người đàn ông trên xe biện lý do: “Mấy anh phạt tài xế chức mắc gì tôi trên xe mà bắt tôi xuống. Giờ tôi xuống mấy anh phải lo xe cho tôi về chứ tôi không biết”.
“Nhậu tất niên, ngồi 6 tiếng uống 1 lon à”
Anh Trần Quang Linh (42 tuổi) chạy loạng choạng trong làn xe ô tô, nên CSGT yêu cầu dắt xe lên lề để kiểm tra. Mức nồng độ cồn trong hơi thở của anh Linh là 0,932mg/lit khí thở.
CSGT thông báo mức phạt, anh Linh chỉ tay phân tích: “Công ty người ta hợp tác, người ta tốt cho uống 1 lon 2 lon là bình thường. Biết là vi phạm nhưng tôi chạy làm sao mà đủ an toàn cho mình, cho người khác, điều đó mới là quan trọng. Say thì không bao giờ chạy được xe honda. Tôi vẫn vừa chạy được từ Sài Gòn về đến đây mà, chứ nồng độ cồn sao chạy được từ đó về đây”.
|
|
CSGT thuyết phục: “Sai thì chấp hành đi, rồi tôi gọi Grab cho anh về”. Anh Linh đáp: “Tôi không có tiền, về Biên Hòa. Tụi em là công nhân đi làm kiếm đồng tiền lo cho gia đình, giờ công ty tổ chức tất niên anh em sum họp uống có 1 lon. Tụi em mà xảy ra tai nạn là chuyện khác”.
|
CSGT yêu cầu anh Linh lấy đồ trong cốp xe ra trước khi tạm giữ nhưng anh không chấp nhận. Lát sau, thấy CSCĐ dắt xe mình lên xe tải đặc chủng, anh Linh nói: “Cốp xe tôi có tiền đấy” rồi đi lòng vòng quanh chốt xử lý. Đến 1 giờ 30 sáng, anh Linh vẫn chưa chịu ký biên bản.
CSGT cho biết tuyến đường Phạm Văn Đồng có nhiều quán nhậu, dù là ngày thường hay cuối tuần đều tấp nập khách ra vào. Đây là tuyến đường nội đô đẹp nhất TP.HCM nên một số người say nhậu xong nhắm mắt chạy về. Dù tối nào CSGT cũng lập chốt kiểm tra nồng độ cồn nhưng nhiều người vẫn bất chấp vi phạm.
Bình luận (0)