55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024)

'Mạch ngầm' chăm lo hạnh phúc nhân dân

01/09/2024 09:18 GMT+7

Bản Di chúc lịch sử mang tầm vóc của một cương lĩnh xây dựng đất nước với mục đích cuối cùng là mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, không quên sót một ai.

Mẫu mực của tinh thần chăm lo cho hạnh phúc con người

Đề cao vai trò của nhân dân, hết lòng thương dân, trọn vẹn vì dân và "là một phần không thể chia cắt" với nhân dân là nét nổi bật trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không chỉ nhân dân VN mà các trí tuệ lớn của nhân loại cũng công nhận rằng: "Nói tới một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Hồ Chí Minh". Vì thế, ẩn sâu trong Di chúc của Người là "mạch ngầm" hướng tới hạnh phúc của nhân dân.

'Mạch ngầm' chăm lo hạnh phúc nhân dân- Ảnh 1.

Ẩn sâu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “mạch ngầm” hướng tới hạnh phúc của nhân dân

ẢNH: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 4 năm viết Di chúc chỉ để nhân dân khỏi cảm thấy đột ngột khi Người qua đời. Mục đích an dân, sự quan tâm tới cảm xúc của nhân dân là biểu hiện của tấm lòng vì dân. Độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước là điều kiện căn cốt của hạnh phúc nên Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân VN quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong Di chúc, Người căn dặn những điều căn cốt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng đủ năng lực, quyết tâm đem lại hạnh phúc cho dân. Hết lòng quan tâm đến tương lai lâu dài của dân tộc, Hồ Chí Minh ký thác cho Đảng trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ thành những người đủ "hồng", đủ "chuyên" để bản thân thế hệ trẻ có niềm hạnh phúc của con người chân chính, và thế hệ đi trước được yên lòng trước tương lai tốt lành của con cháu và đất nước.

Sự quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân thể hiện rất rõ trong lời dặn của Người: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Người còn đề ra kế hoạch tái thiết đất nước thời hậu chiến vô cùng toàn diện với quan điểm "đầu tiên là công việc đối với con người". Người đã căn dặn một loạt công việc cần kíp như đền ơn đáp nghĩa, giải phóng phụ nữ, hoãn thuế nông nghiệp cho nông dân và cải tạo nhóm người vốn bị coi là "đáy cùng" của xã hội như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… Bản Di chúc lịch sử mang tầm vóc của một cương lĩnh xây dựng đất nước với mục đích cuối cùng là mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, không quên sót một ai.

Tư tưởng vì hạnh phúc nhân dân của Hồ Chí Minh còn thể hiện trong những lời trăn trối của Người "về việc riêng". Thương dân, vì dân, Người đã sống một cuộc đời giản dị đến khắc khổ và nay trong Di chúc, Người dặn "chuyện hậu sự" cũng với tinh thần ấy. Người cũng căn dặn về việc phải trồng rừng để nhân dân được sống trong môi trường an lành. Khi nói lời từ biệt, Người tuyệt nhiên không ký thác một điều gì cho riêng mình, dòng họ, quê hương, mà chỉ mong muốn: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước VN hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Là sự kết tinh một cách sinh động và cảm động tư tưởng, đạo đức, phong cách của một lãnh tụ nhân dân, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực của tinh thần chăm lo cho hạnh phúc con người.

Chăm lo hạnh phúc người dân theo lời dặn của Bác

Khắc ghi những lời dặn thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước không ngừng hoàn thiện tư tưởng về chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Đại hội Đảng VI, đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, tuyên bố: Đổi mới tiến hành với tinh thần "tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân". Đề cao giá trị "hạnh phúc" nên Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và năm 2011 đều xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội mà con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Đến Đại hội XIII, hạnh phúc của nhân dân trở thành "âm hưởng chủ đạo" và được đề cập dưới nhiều góc độ.

'Mạch ngầm' chăm lo hạnh phúc nhân dân- Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi thủ đô, ngày 31.5.1969 tại Phủ Chủ tịch

ẢNH: TƯ LIỆU

Việc đảm bảo hạnh phúc cho nhân dân ở nước ta hiện nay gặp không ít trở lực. Trên thế giới, nguy cơ về vũ khí hạt nhân, xung đột vũ trang, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đang là mối đe dọa lớn đối với sinh mệnh, sức khỏe và đời sống sản xuất của toàn nhân loại. Ở trong nước, sự ô nhiễm môi trường, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ công quyền và gắn với nó là sự yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo; tệ nạn, tội phạm... cũng tạo nhiều trở ngại để người dân tiếp cận hạnh phúc. Đối ngược với những bất cập là xu thế đề cao hạnh phúc của nhân loại và nhu cầu hạnh phúc ngày càng lớn của nhân dân. Vì thế, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc đem lại hạnh phúc cho nhân dân càng trở nên cấp bách.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc cho nhân dân gợi mở một số giải pháp.

Trước hết, cần nâng cao nhận thức về hạnh phúc do hạnh phúc là "hợp điểm" giữa điều kiện khách quan và cảm nhận chủ quan. Nếu cán bộ, đảng viên vượt lên cái "tôi" để hiến dâng cho cái "ta" là nhân dân thì họ sẽ là người hạnh phúc vì tượng đài vững chắc nhất là ở lòng dân. Đối với nhân dân, hạnh phúc không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố "bên ngoài" mà còn phụ thuộc vào yếu tố "bên trong" là tâm hồn họ. Kẻ mưu mô hại người và làm những chuyện bất lương, vô đạo thì không bao giờ có hạnh phúc. Vì thế, tăng cường giáo dục cho cán bộ và nhân dân giá trị sống đúng đắn, khơi dậy khát vọng cống hiến trong mỗi con người là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước.

Nhà nước cần nỗ lực mở rộng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, vì con người hạnh phúc phải là con người tự do và có cảm nhận an toàn khi các quyền của họ được hiến định về mặt pháp lý và được thực thi trên thực tiễn. Trong thế giới hiện đại, hạnh phúc không chỉ là sự cảm nhận mà ngày càng mang tính định lượng, nên cần "lượng hóa" chỉ số hạnh phúc để nhân dân được hưởng hạnh phúc thật sự trên thực tế.

Điều rất quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao mức sống của dân, vì giàu có chưa chắc đã hạnh phúc nhưng đói nghèo thì chắc chắn không thể có hạnh phúc. Cùng với kinh tế thì cần đẩy mạnh việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an ninh con người, an sinh xã hội bằng cách kiểm soát việc phân tầng xã hội, tiếp tục thực hiện chiến lược "xóa đói, giảm nghèo" bền vững, cải cách tiền lương, nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách... Tham nhũng là biểu hiện rõ nhất của sự bất công, nó dẫn đến hành động đê tiện là "bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng" nên phải đẩy mạnh chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản công để dồn nguồn lực cho phát triển và gia tăng phúc lợi xã hội.

Tầm cỡ của một nhà hiền triết thể hiện chủ yếu ở mức độ quan tâm đến con người và Hồ Chí Minh chính là nhà hiền triết với nghĩa cao quý đó. Bản Di chúc của Hồ Chí Minh với tầm cao trí tuệ và tình cảm cao thượng đã trở thành bảo vật quốc gia. Điều đó không chỉ có nghĩa là phải bảo quản Di chúc như một báu vật ở bảo tàng lịch sử mà quan trọng hơn là phải vận dụng và phát triển các thông điệp của Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh mới, trong đó có thông điệp về hạnh phúc cho nhân dân.

Mỗi người VN, trước hết là cán bộ, đảng viên phải nỗ lực sống một cuộc đời hữu ích, chung tay xây dựng nước VN phồn vinh, hạnh phúc để thỏa nguyện mong ước cao cả mà Hồ Chủ tịch đã ký thác trong Di chúc cách đây hơn nửa thế kỷ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.