Căn nhà dột của hai mẹ con
Gia đình em Lâm Vi Hồng My (14 tuổi, Q.Tân Phú) hiện chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Ba My không may nhiễm Covid-19 và qua đời. Gánh nặng mưu sinh của gia đình từ đó đặt cả lên vai mẹ em. Chị đang làm phụ giúp việc nhà ở trong xóm, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng.
Đáng buồn với khoản thu nhập vốn đã chẳng đủ chi tiêu ấy, mẹ My còn phải trang trải cho căn bệnh cao huyết áp dai dẳng, hằng tháng phải vào bệnh viện tái khám và uống thuốc mỗi ngày. Hiện cả nhà chỉ có 1 chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại, hai mẹ con thay phiên nhau đi bộ để đi làm hoặc đi học. Căn nhà hai mẹ con đang ở đã được xây rất lâu, là nhà cấp 4 có diện tích khá nhỏ, hiện đang bị xuống cấp nhiều do mưa lớn, những mảng tường đã ngấm nước trầm trọng. Những tối mưa bão, hai mẹ con vừa ngủ vừa lấy thau hứng nước mưa. Đồ vật trong nhà cũng chẳng có gì quý giá, mỗi lúc hư hại cũng không có bàn tay người đàn ông đỡ dần, sửa chữa.
Gia đình My hiện đang có khoản nợ hơn 20 triệu đồng, đây là số tiền cha mẹ vay mượn bà con từ nhiều năm trước để lo việc học cho My. My hiện đang là học sinh lớp 9 của Trường THCS Hùng Vương. Từ khi ba mất, My siêng năng phụ mẹ các công việc nhà hơn như phơi đồ, lau nhà, rửa chén,... Nếu nhận được tiền thưởng trong chương trình, hai mẹ con sẽ dùng một ít để sửa nhà, phần còn lại để đóng học phí cho My. Mẹ cô bé sợ ngày nào đó nếu không còn đủ sức khỏe để đi làm, My sẽ không được đến trường như bao bạn bè khác.
Cô bé người Chăm vượt khó đến trường
Em Châu Hải My sinh năm 2007, học sinh lớp 10 Trường THPT Gia Định là người dân tộc Chăm. Hiện em đang sống cùng với mẹ và em trai đang học lớp 5. Ba của My mất do nhiễm Covid-19 vào năm ngoái. Cả ba mẹ con My đang sống nhờ nhà của ông bà nội. Từ lúc ba mất, cuộc sống của gia đình cũng trở nên chật vật hơn khi giờ đây chỉ còn mẹ là lao động chính.
Hiện tại, mẹ Hải My đang phụ việc tại quán cơm để kiếm tiền lo cho các con. Thỉnh thoảng, chị nhận đồ về nhà để may mong kiếm thêm chút ít thu nhập. Thu nhập mỗi tháng của chị cũng chỉ từ 5 - 6 triệu đồng. Hằng tháng, ngoài tiền học của các con, mẹ Hải My còn phụ tiền nước cho nhà chung khoảng 1 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày chỉ ăn ở nhà 1 bữa, nên cô của My hỗ trợ thêm chi phí ăn uống cho 2 cháu, nhờ vậy mà mẹ My cũng đỡ lo lắng hơn. Hiện hai chị em My được các mạnh thường quân hỗ trợ mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng để trang trải thêm cho việc học.
Không có xe đi học nên mỗi ngày My đều đi nhờ bạn, đến chiều thì 2 chị em được mẹ đón về. My là một cô bé rất ngoan và hiền. Hiểu được phần gánh nặng của mẹ sau khi ba không còn, My cũng tự giác làm việc nhà, dạy em học, nấu ăn cho mẹ đỡ vất vả.
Cha mãi là nơi nương tựa cho con
Sau khi mẹ qua đời vì Covid-19, 3 cha con em Lai Phước Trung (17 tuổi, Q.8) sống nương tựa nhau trong một căn chung cư cũ đã xuống cấp. Từ ngày mẹ Trung mất, ba em vất vả nhiều hơn, sức khỏe cũng giảm sút rõ rệt. Ảnh hưởng của hậu Covid-19 khiến anh bị viêm phổi ngày càng nặng. Năm trước, có lúc ba Trung phải nghỉ việc đến 8 tháng để điều trị và dưỡng bệnh. Đầu năm 2022, anh được công ty cũ hỗ trợ quay lại công việc làm bảo vệ, thu nhập hằng tháng khoảng 5 triệu đồng. Với mức lương này, cả 3 cha con anh sống cũng khá chật vật vì phải chi trả nhiều khoản chi phí mỗi tháng.
Dù hiện đang bệnh phổi và tiểu đường, nhưng ba Trung vẫn cố gắng làm việc để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Vì trước đây anh không thi đậu đại học, giờ làm công việc khó khăn nên mong muốn con có tương lai tốt hơn mình. Anh trai của Trung chỉ vừa mới ra trường, gặp ngay đợt dịch bệnh nên kiếm việc khá khó khăn. Hiện anh trai Trung đang làm công việc bán phụ kiện điện tử để cầm cự, sắp tới có dự định xin vào ngân hàng làm đúng chuyên ngành về tài chính để có thu nhập cao hơn phụ ba lo cho gia đình.
Khi mẹ mất, Trung trở nên trầm tính hơn trước rất nhiều. Được cha và anh trai động viên, em đã dần lấy lại bình tĩnh và hòa nhập với mọi người. Đặc biệt, Trung học rất giỏi môn tiếng Anh và rất chăm chỉ học tập.
Không chỉ là một trong những đơn vị dẫn đầu trên thị trường sản xuất, kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen còn là một trong những đơn vị xây dựng thành công hình ảnh của một thương hiệu gắn kết với cộng đồng. Hơn 21 năm kiên định với triết lý “Trung thực - Cộng đồng - Phát triển”, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang khẳng định dấu ấn thương hiệu thông qua nhiều chương trình tài trợ, từ thiện mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc như: Vượt lên chính mình, Trái tim nhân ái, Lục lạc vàng, Tỏa sáng nghị lực Việt, Tôn Hoa Sen - Cùng em đi học, Giải bóng đá Futsal cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cặp lá yêu thương, Hát cho ngày mai, Mái ấm gia đình Việt,…
Bình luận (0)