Make in Vietnam: giải bài toán bẫy thu nhập trung bình

Mai Hà
Mai Hà
09/05/2019 10:06 GMT+7

Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng , gia công lắp ráp không thể giúp Việt Nam ra thế giới , công nghệ với mục tiêu Make in Vietnam sẽ giúp giải bài toán khó thoát bẫy thu nhập trung bình.

Sáng nay, 9.5, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chính thức khai mạc với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bài phát biểu khai mạc truyền cảm hứng của Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh đến khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? Đó là công nghệ.
“Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông nhấn mạnh.
Giải pháp của Việt Nam sẽ là sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam.
Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Đưa ra ví von chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra, người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông cũng dẫn ra câu chuyện một start-up công nghệ của Trung Quốc, LinkSpace - công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. “Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng của doanh nghiệp công nghệ tại diễn đàn Ảnh Mai Hà
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập đến việc muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất phải tạo ra thị trường. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ.
Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số.
“Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Người Việt Nam chúng ta thông minh, thích nghi nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể. Lại có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, ông Hùng khẳng định.
Nhắc đến những đặc khu công nghệ, theo Bộ trưởng Hùng, những doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ như thương mại, bất động sản, tài chính đã thành công như Viettel, Vingroup, VNPT… đang tuyên bố chiến lược đầu tư vào công nghệ. Chính phủ sẽ xem xét việc tạo điều kiện để phát triển một số tập đoàn công nghệ lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất cần những khởi nghiệp công nghệ, chính những công ty công nghệ qui mô nhỏ này sẽ tạo lên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam.
“Chúng ta cũng cần một quĩ để phát triển công nghệ Việt Nam. Sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn khi đây là một quĩ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu”, ông Hùng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.