Malaysia điều tra nghi vấn khủng bố

10/03/2014 03:00 GMT+7

Những lo ngại về khả năng khủng bố xuất hiện sau khi có thông tin cho thấy ít nhất hai hành khách trên chuyến bay MH370 sử dụng hộ chiếu giả.

Những lo ngại về khả năng khủng bố xuất hiện sau khi có thông tin cho thấy ít nhất hai hành khách trên chuyến bay MH370 sử dụng hộ chiếu giả.

Malaysia điều tra nghi vấn khủng bố

Gia đình một hành khách người Malaysia vật vã chờ tin người thân
- Ảnh: AFP

 

Thậm chí không chỉ 2 người, báo chí Trung Quốc cho biết có đến 5 người sử dụng hộ chiếu giả. Cuộc họp báo lúc gần 8 giờ rưỡi tối 9.3 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) - nơi máy bay khởi hành để đi Trung Quốc - dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc Malaysia Airlines (MAS) Ahmad Jauhari Yahya và Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein đầy ắp phóng viên. Ông Rahman - người chỉ huy toàn bộ công tác điều tra lẫn tìm kiếm và cứu hộ của phía Malaysia - chỉ trả lời rằng video ghi hình hai hành khách mạo danh công dân châu u đang được xem kỹ. Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ra lệnh xem xét lại các thủ tục an ninh ở sân bay, đồng thời tăng cường kiểm soát, kiểm tra để tránh chuyện tương tự.

 

Chờ đợi trong hỗn độn thông tin

Hai ngày sau khi máy bay mất tích, thân nhân của 239 người vẫn tuyệt vọng chờ đợi khi cuộc tìm kiếm đang tiếp diễn. Sau gần 2 ngày không tìm ra manh mối nào về chiếc máy bay, MAS đã phát thông điệp đến thân nhân những hành khách là “hãy chuẩn bị điều xấu nhất” có thể xảy ra và cho biết họ đang thảo luận với một công ty giải quyết thảm họa của Mỹ. Từ chiều 8.3, MAS đã tập trung thân nhân các hành khách tại sân bay KLIA và nhắc họ mang theo hộ chiếu. Khi tìm được chiếc máy bay mất tích, MAS sẽ đưa hai thân nhân của mỗi hành khách đến hiện trường. Thân nhân của các hành khách từ Trung Quốc cũng có thể bay dần qua Kuala Lumpur để tập trung cùng ra hiện trường với chi phí do MAS chi trả.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

Khả năng máy bay bị cướp bởi các phần tử có mưu đồ khủng bố trở thành nghi vấn mạnh mẽ nhất suốt ngày hôm qua. Bởi không có lý do gì để phi công chiếc máy bay được cho là thuộc dòng hiện đại và an toàn hàng đầu này không gửi được tín hiệu cấp cứu trước khi biến mất nếu máy bay gặp tai nạn thông thường. Ông Rahman nói rằng ông chưa nhận được thông tin có một nhóm khủng bố ở Trung Quốc đứng ra nhận trách nhiệm về vụ này, như phóng viên cho hay. Nhưng “khả năng máy bay bị cướp cũng không thể loại trừ”, và “chúng tôi đang xem xét tất cả các khả năng”, ông nói. “Ưu tiên cao nhất của chúng tôi bây giờ là tìm được chiếc máy bay. Bởi khi chưa tìm được thì không thể nói điều gì đã xảy ra cả”, ông Rahman lặp đi lặp lại.

Hôm qua, nhà chức trách Malaysia đã mở cuộc điều tra khủng bố trong vụ mất tích bí ẩn. Theo Reuters, danh sách hành khách được hãng MAS công bố bao gồm danh tính của công dân Ý Luigi Maraldi và công dân Áo Christian Kozel nhưng bộ ngoại giao ở hai nước đều khẳng định hai người này không có mặt trên chuyến bay. Cả hai đã bị đánh cắp hộ chiếu ở Thái Lan. Đài NBC News dẫn lời các chuyên gia chống khủng bố nhận xét việc một người sử dụng hộ chiếu giả đi máy bay không quá bất thường song hiếm khi nào có hai người cùng sử dụng hộ chiếu giả trên một chuyến bay. Vụ việc càng thêm bí ẩn khi hãng BBC đưa tin hai người đàn ông sử dụng hộ chiếu giả đã mua vé cùng lúc và cùng đăng ký vé trên một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Hà Lan ngày 8.3 bằng tiền baht của Thái Lan.

Bộ trưởng Hishammuddin cho biết Malaysia đang liên hệ với các cơ quan chống khủng bố của Mỹ và những nước khác. Ông Hishammuddin xác nhận Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ cử nhân viên đến Malaysia để tham gia điều tra. Hãng AFP dẫn thông báo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết cơ quan này sẽ cử một nhóm điều tra đến châu Á để hỗ trợ. Cùng khởi hành với nhóm là các cố vấn kỹ thuật của hãng Boeing và Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA). Thông báo của NTSB cho biết một khi tìm thấy máy bay, các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sẽ được áp dụng để xác định quốc gia chủ trì điều tra. Quốc gia chủ trì sẽ chịu trách nhiệm công bố toàn bộ thông tin về vụ việc. Một quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ The New York Times rằng Lầu Năm Góc đã rà soát hệ thống trinh sát vốn theo dõi những điểm lóe sáng trên toàn thế giới song không tìm thấy bằng chứng về một vụ nổ tại khu vực máy bay mất tích.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin một người Trung Quốc có số hộ chiếu nằm trong danh sách hành khách đã không có mặt trên chuyến bay. Tân Hoa xã dẫn lời cảnh sát cho biết người này hiện vẫn ở tỉnh Phúc Kiến. Hộ chiếu của nhân vật nói trên chưa bao giờ bị mất hoặc bị đánh cắp.

Thời điểm máy bay mất tích cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán khi nó xảy ra chỉ một tuần sau vụ tấn công bằng dao đẫm máu ở nhà ga Côn Minh mà giới chức Trung Quốc khẳng định là “tấn công khủng bố” do người Duy Ngô Nhĩ tiến hành. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Malaysia cho hay nhà chức trách không loại bỏ khả năng về sự dính líu của người Duy Ngô Nhĩ bởi Malaysia từng trục xuất nhiều người Duy Ngô Nhĩ mang hộ chiếu giả trước đây.

Ghi nhận trên thủy phi cơ tìm kiếm

 Malaysia điều tra nghi vấn khủng bố12

Vệt sáng trên biển được nghi là mảnh vỡ máy bay - Ảnh: Giang Sơn

Chiều qua, đoàn tìm kiếm của Trung đoàn 917 (Sư đoàn không quân 370) trên trực thăng Mi 171, số hiệu 02, ra khơi tìm kiếm trên vùng biển giữa Malaysia và VN nhưng không tìm ra vệt dầu loang. Khi trực thăng hạ độ cao để quan sát ở khu vực được cho là có dầu loang, đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917, thuộc Sư đoàn 370, khẳng định với kinh nghiệm thực tế của cá nhân ông, tại vùng bãi cạn như bãi cạn Cà Mau, quan sát từ trên cao thường thấy những vệt màu vàng như quả cam, nhưng không phải là vết dầu loang. Trong chuyến bay, đội tìm kiếm phát hiện những vật thể lạ trôi trên biển. Tuy nhiên khi bay chậm và hạ độ cao quan sát, xác định đó không phải là vật thể rơi từ máy bay mất tích.

Ở một hướng khác, xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc lúc 16 giờ 30 ngày 9.3, sau hơn 20 phút bay, thủy phi cơ DHC6 đã đến khu vực quần đảo Thổ Chu và đến 17 giờ 10 phút thì vào khu vực tìm kiếm. Theo quan sát của PV Thanh Niên, thời tiết lúc này rất đẹp, từ độ cao 1.500 m có thể nhìn thấy rõ tàu thuyền đang chạy phía dưới và cả những gợn sóng trên mặt biển. Sau khoảng 20 phút bay tìm kiếm, máy bay dần hạ độ cao từ 1.500 m xuống 150 m.

Qua gần 1 giờ bay trong khu vực tìm kiếm đến 18 giờ 15 phút, phi công cho biết đã phát hiện một vệt sáng, trong đó có vật tròn phát sáng nằm về hướng tây bắc, cách đảo Thổ Chu khoảng 80 km. Lúc này máy bay đảo bên phải và bên trái để quan sát thì phát hiện một hình tròn khoảng 30 cm, có phát sáng màu trắng. Do trời tối nên máy bay không thể đáp xuống để xác định có phải mảnh vỡ máy bay bị nạn.

Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, người chỉ huy cuộc tìm kiếm, cho biết hôm nay 10.3 sẽ trở lại khu vực xác định đã được đánh dấu tọa độ và cho thợ lặn xuống xác định.

Tiến Trình - Giang Sơn

Thục Minh (VP Singapore) - Sơn Duân

>> Trắng đêm tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
>> Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải công bố thông tin tìm kiếm máy bay mất tích
>> Máy bay Malaysia mất tích: Hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp mua vé cùng lúc
>> Máy bay Malaysia mất tích từng bị hỏng cánh
>> Máy bay Malaysia mất tích: Có hành khách bí ẩn trên máy bay
>> Một trang web đưa tin thất thiệt về máy bay Malaysia mất tích
>> Máy bay Malaysia mất tích: Máy bay chỉ quay đầu khi có sự cố bất thường
>> Máy bay Malaysia mất tích: 'Nóng hừng hực' ở Trung tâm chỉ huy tìm kiếm cứu nạn
>> Những nguyên nhân có thể gây ra vụ máy bay Malaysia mất tích  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.