Đó là thông tin đã được Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, Khalid Abu Bakar cung cấp cho báo giới trong cuộc họp báo vào ngày 31.3.
Công dân CHDCND Triều Tiên được phía Malaysia xác nhận là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã thiệt mạng tại sân bay Kuala Lumpur 2 vào ngày 13.2 do trúng chất độc thần kinh VX cực độc, bị liệt vào dạnh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt của LHQ.
Sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur ban đầu cho hay nạn nhân là ông Kim Jong-nam, nhưng ngày hôm sau đổi ý và gọi ông này là Kim Chol, theo tên trên hộ chiếu. Kể từ đó, Bình Nhưỡng kiên trì quan điểm người đã chết không phải là ông Kim Jong-nam.
Cả ba người Triều Tiên “cố thủ” trong sứ quán suốt thời gian qua đã được lên máy bay cùng thi hài nạn nhân Triều Tiên quay về Bình Nhưỡng sau khi quá cảnh ở Bắc Kinh, trong khi đó một máy bay vận tải quân sự chở 9 người Malaysia từ Bình Nhưỡng cũng cất cánh về nước.
Chiếc xe rời khỏi sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh sau khi máy bay chở thi thể công dân Triều Tiên hạ cánh AFP
|
Reuters thu được đoạn clip phát trên truyền hình Nhật Bản cho thấy ông Hyon Kwang Song, bí thư thứ hai của sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur, và Kim Uk Il - nhân viên hãng hàng không quốc gia CHDCND Triều Tiên Air Koryo, trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Dù không có thông tin xác nhận chính thức về việc rời đi của hai người này, họ đã được xác định thông qua bản tin cho báo chí do cảnh sát cung cấp.
Giới truyền thông Malaysia cũng cho biết người Triều Tiên thứ ba, tên Ri Ji U, còn gọi là James, đã trốn trong sứ quán ở Kuala Lumpur suốt thời gian qua với ông Hyon Kwang Song và Kim Uk Il, cũng được cho phép về nước.
Đồng thời cất cánh
9 người Malaysia bị mắc kẹt ở Bình Nhưỡng đã về đến Kuala Lumpur vào sáng sớm ngày 31.3 trên chiếc máy bay Bombardier cỡ nhỏ thuộc Không quân Malaysia.
Chiếc máy bay của Không quân Malaysia cất cánh cùng lúc với chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines chở thi thể nạn nhân và 3 người Triều Tiên AFP
|
Phi công Hasrizan Kamis cho hay phi hành đoàn đều khoác áo dân sự để “phòng ngừa” sự cố đáng tiếc vào phút chót.
Theo website theo dõi hoạt động hàng không Plane Finder, Bombardier cất cánh khỏi phi đạo Bình Nhưỡng trùng với thời điểm chuyến bay MH360 của hãng hàng không Malaysian Airlines rời Kuala Lumpur hướng về Bắc Kinh.
Mohd Nor Azrin Md Zain, một trong các nhà ngoại giao Malaysia có mặt trên chiếc Bombardier, kể rằng những công dân Malaysia đã trải qua giai đoạn phập phồng lo sợ trong thời gian mắc kẹt ở Triều Tiên, nhưng giới chức Bình Nhưỡng cũng không có hành vi quấy nhiễu gì đối với ngoại giao đoàn Malaysia.
Bình luận (0)