Mâm cỗ ngày tết cho thú cưng

29/01/2022 10:00 GMT+7

Không ít người trẻ ở Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền mua đủ thứ cho thú cưng như thức ăn, quần áo và thậm chí là mâm cỗ ngày tết.

“Tôi muốn thú cưng cảm nhận được không khí, hương vị ngày tết như chủ nhân”, cô Wang Jianing (24 tuổi), chia sẻ với tờ South China Morning Post ngày 28.1. Cô sở hữu một con mèo giống Nga tên Doudou cùng hai chú chó Malta tên Yomi and Neinei.

Wang (ngụ TP.Hợp Phì, tỉnh An Huy) sẵn sàng chi tiền mua sắm nhiều thứ cho thú cưng từ quần, áo cho đến dầu tắm sản xuất tại Ý và vé đi spa. Đáng chú ý nhất là Wang còn chuẩn bị bữa tiệc dành riêng cho thú cưng vào đêm giao thừa.

Cô đã đặt hàng trên mạng một mâm cỗ ngày tết cho thú cưng, trị giá 399 nhân dân tệ (1,4 triệu đồng). Thực đơn bao gồm nhiều món như cơm trứng tráng hình đầu hổ, đậu phụ, phô mai tôm, bánh quy phô mai bí đỏ, bánh nướng nhỏ nhân thịt và một số món dim sum (điểm tâm Quảng Đông) được chế biến từ thịt gà, cá tuyết, vịt và khoai lang tím.

Mâm cỗ ngày tết cho thú cưng với đủ loại món ăn đặc biệt

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, nhiều người ở Trung Quốc đối xử với thú cưng giống như người thân trong gia đình. “Vì thế, thị trường ngày càng có nhiều loại thức ăn cho thú cưng được chế biến giống món ăn của con người”, chuyên gia phân tích Pepper Peng của Mintel cho biết.

Sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2011 - 2020, thị trường dịch vụ chăm sóc thú cưng của Trung Quốc bước vào giai đoạn trưởng thành hồi năm 2021, theo báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường nội địa iResearch. Trong đó, thức ăn cho thú cưng là phân khúc lớn nhất, chiếm 40% doanh thu.

Trước đà phát triển đó, những người kinh doanh thức ăn thú cưng tăng cường dịch vụ cung cấp những bữa ăn đặc biệt cho vật nuôi trong những dịp lễ tết. Chẳng hạn, anh Jin Shangbao, chuyển hướng kinh doanh từ bán thực phẩm bổ sung cho người tập gym sang thức ăn thú cưng kể từ năm 2017, cho biết anh cung cấp cả bánh bao và bánh trung thu cho thú cưng.

“Đa số khách hàng của tôi là những bạn trẻ thuộc Thế hệ Z (Gen Z, có năm sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) và 70% là phụ nữ”, anh Jin chia sẻ. Anh Jin cho hay anh nhận được khoảng 1.000 đơn đặt hàng mỗi ngày, với phân nửa là từ Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) và còn lại là từ những nền tảng thương mại điện tử.

Một chú chó cưng bên mâm cỗ ngày tết

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Tương tự, cô Liao Cuimin, nhà sáng lập công ty Fluffy Pet (Trung Quốc), cho biết khách hàng của cô chủ yếu là người trẻ sống tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến và khoảng 80% là phụ nữ.

Kinh doanh thức ăn cho thú cưng trên các trang thương mại điện tử từ năm 2017, cô Liao cho biết: “Một số khách hàng chia sẻ với chúng tôi rằng nếu thú cưng không có thức ăn riêng trong bữa ăn sum họp gia đình như dịp tết thì họ có thể cho chúng ăn những thứ có trên bàn, nhưng làm như thế có thể gây rối loạn tiêu hóa của vật nuôi”, Liao nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.