Mâm cúng rằm tháng Giêng cầu phước lành cả năm như thế nào?

01/03/2018 13:46 GMT+7

Rằm tháng Giêng là rằm quan trọng nhất trong năm nên mâm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng được nhiều người quan tâm, cúng chay hay cúng mặn, khấn thế nào để cầu phước lành cả năm?

Vào ngày rằm tháng Giêng, nhiều người lại rủ nhau đi chùa để cầu mong một năm an lành, hạnh phúc. Bên cạnh đó mâm cúng tại nhà vào ngày này cũng được chuẩn bị chu toàn hơn.
Một hòa thượng ở chùa thuộc Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết nhiều tín ngưỡng, phong tục ở Việt Nam không hề có một quy tắc chung mà tùy mỗi vùng miền, phong tục sẽ khác nhau.

Bên cạnh đó, tùy theo nguyện vọng của mỗi gia đình nên cách cúng có thể khác nhau. Có người coi đây là ngày cúng rằm bình thường, có người thì nhân dịp rằm đầu của năm để cúng cầu an, có người lại cúng sao giải hạn vào ngày này.
Theo vị hòa thượng, cúng ngày rằm tháng Giêng ở một số nơi sẽ gồm ba bàn thượng –trung - hạ. Trong đó, bàn thượng thỉnh Phật và chư vị Bồ Tát; bàn trung cúng chư vị thần linh như: thổ thần và các vị thần tinh tú; bàn thứ ba là bàn bố thí chư vị âm linh cô hồn. Đặc biệt ngày rằm tháng Giêng thường đốt 49 cây đèn/nến để cầu nguyện. Nơi thì cúng đồ chay, nơi thì cúng đồ mặn.
Tuy nhiên, dù cúng chay hay mặn thì phải có đầy đủ trái cây, chè xôi, đèn ở bàn Phật và Bồ Tát. Bàn thứ hai cúng thần thì ngoài đầy đủ như bàn Phật còn có thêm cau trầu, rượu mâm cơm. Bàn thứ 3 cúng âm linh cô hồn nên bắt buộc có giấy tiền vàng bạc, muối, gạo, bánh trái, xôi, chè, cơm, canh... càng nhiều càng tốt, quan trọng là phải có cúng cháo trắng loãng.
“Nhà Phật không câu nệ số loại trái cây phải là số chẵn hay số lẻ nhưng người dân chuộng số lẻ hơn vì số lẻ biểu trưng cho dương, còn số chẵn biểu trưng cho âm. Đa phần mọi người cúng là cầu phước, cầu an lành nên 3 bàn cúng thể hiện được ba ruộng phước gồm: ân điền, kỉnh điền và bi điền”, vị hòa thượng giải thích.
Giờ cúng được nhiều người chọn nhất đó là vào giờ Ngọ ngày rằm tháng Giêng, tức từ 11 giờ đến 13 giờ.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng có thể cúng từ trưa đến chiều và tối đều được, chủ yếu tâm thành thì Phật sẽ chứng giám.
Một trong những bài văn khấn rằm tháng Giêng tại nhà:
Nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:.......
Ngụ tại:…………………
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự an lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A di đà Phật! (3 lần)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.