Video ghi lại cảnh bà Nguyễn Thị Dương (76 tuổi, ngụ Q.Long Biên, Hà Nội) và cháu gái cùng nhau vật lộn, tìm cách thoát ra khỏi hàm răng con chó - vốn được nuôi làm cảnh trong nhà - đang điên cuồng cắn xé, là bài học cảnh tỉnh cho người nuôi chó. Đó là khi “thú cưng” trở thành mầm họa trong nhà.
Để xảy ra liên tiếp những vụ chó nuôi cắn xé, tấn công làm trọng thương con người, thậm chí cướp đi mạng sống với hai cháu bé cùng ở tuổi lên 7 quê tại Hưng Yên, Thái Nguyên xảy ra trong tháng 4 vừa qua, cho thấy công tác quản lý đàn chó đang phản ánh sự vô trách nhiệm của người nuôi chó lẫn cơ quan liên quan.
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), công tác quản lý đàn chó nuôi thả rông là vấn đề đặt ra từ hơn chục năm nay, gắn với chương trình quốc gia về phòng chống và tiến tới loại trừ bệnh dại. Nghị định 05/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật; Nghị định 90/2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã quy định rất chi tiết, chó nuôi phải được nhốt trong chuồng, cũi. Khi dắt ra ngoài, thả rông, chó phải được có người trông dắt.
Cụ thể ở khoản 2, điều 7 Nghị định 90/2017, hành vi chó nuôi khi thả ra ngoài không có xích giữ, không có người dắt sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng, việc xử phạt này thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của UBND cấp xã, phường.
Giãi bày trong một cuộc họp của Bộ NN-PTNT mới đây, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Đàm Xuân Thành viện dẫn hàng loạt quy định pháp luật để khẳng định hành lang pháp lý quản lý đàn chó nuôi thả rông, thậm chí đến các quyết định, quy định pháp luật về xử phạt chủ nuôi chó thả rông không thiếu, mà ngược lại còn rất đầy đủ và chi tiết. Nhưng ngay sau đó, chính ông Thành cũng thừa nhận một thực tế chua chát. Đó là theo kết quả theo dõi của Cục Thú ý trên toàn quốc, chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị xử phạt hành chính về hành vi để chó thả rông, không đeo rọ mõm.
Việc Công an H.Kim Động (Hưng Yên) lần đầu tiên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Lê Thị An, chủ nuôi để chó tấn công khiến cháu bé 7 tuổi thiệt mạng là một tín hiệu cho thấy các cơ quan chức năng bắt đầu mạnh tay hơn trong việc xử lý đối với người nuôi chó thả rông.
Nhưng để ngăn ngừa những tai họa từ chó nuôi, chính quyền các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ và buộc người nuôi chó phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Chỉ có bằng cách quản lý chặt chẽ, xử phạt, xử lý thật nghiêm hành vi nuôi chó thả rông mới đủ sức răn đe, thức tỉnh ý thức, trách nhiệm của người nuôi chó, để chó thả rông không còn là nỗi lo lắng, bất an của xã hội, không còn là mầm họa ngay trong mỗi gia đình.
Bình luận