LÀNG DÂN CƯ "KIỂU MẪU"
Đứng trên đường Đông Trường Sơn nhìn qua, làng Khe Chữ (xã Trà Vân, H.Nam Trà My, Quảng Nam) như một làng dân cư kiểu mẫu, hết sức khang trang với hàng chục ngôi nhà bê tông kiên cố. Hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, như đánh dấu một cuộc tái sinh nơi miền rừng xanh thẳm.
Ông Nguyễn Thanh Luận, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân, vẫn nhớ như in cái ngày 6.11.2017, thời điểm cả ngọn núi ở thôn 2, xã Trà Vân ầm ầm đổ xuống. Thảm họa khiến 5 người chết, 13 người bị thương, nhiều ngôi nhà bị xóa sổ. Tang thương phủ khắp ngôi làng. Ngay trong đêm, ông đã phát đi thông báo huy động cả hệ thống chính quyền xã tổ chức họp khẩn với người dân. Họ quyết định dời sang làng Khe Chữ…
Nhà của ông Luận cũng ở nóc cũ Ông Tuân. Gia đình, con cháu theo cuộc di dân lịch sử của cả làng để đến Khe Chữ. Đấy là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn H.Nam Trà My, với 145 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu. Làng Khe Chữ hình thành từ đó, trên phần diện tích rộng khoảng 36 ha, cách nơi ở cũ khoảng 5 km. "Cuộc di dân "thần tốc" ngày đó đã gieo hy vọng nơi người dân về một cuộc sống mới ổn định hơn. Và đúng thật như thế. Hôm nay người dân Khe Chữ đang xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, no đủ tại vùng đất bằng phẳng, yên bình này", ông Luận nói.
Ngày đầu về nơi ở mới, khi mọi thứ còn ngổn ngang cùng bộn bề lo lắng, những câu hỏi về chuyện an dân luôn thường trực trong suy nghĩ của ông Luận, khi ấy giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Hễ ai thấy ông là chạy đến hỏi về chuyện bố trí đất đai, về nơi sản xuất… Vừa giải thích, vận động, ông vừa ổn định tư tưởng cho bà con. Sự kiên trì của ông Luận như một niềm xác tín rằng địa phương đang chạy đua với thời gian để ổn định sớm nhất cuộc sống cho người dân.
"Những ngày đầu, khi làng mới đang dần thành hình, tôi luôn đi quanh làng động viên người dân rằng đau thương nào rồi cũng dần nguôi ngoai. Giờ phải sống làm sao để đền đáp những công ơn của Đảng, Nhà nước đã dành cho mình. Nếu không có sự giúp đỡ to lớn đó thì bà con không biết lấy gì mà gượng dậy. Hơn 6 năm về đây, cuộc sống của người dân phát triển rất nhiều. Nhiều căn nhà kiên cố được dựng lên, nhà nhà có của ăn của để", nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân cho biết.
MẠNH MẼ HỒI SINH
Con đường mới từ trung tâm xã về Khe Chữ đã được lát bê tông rộng thoáng, đón những chuyến xe về tận ngõ làng. Trở lại Khe Chữ, hôm nay người dân gặp nhau chỉ hỏi thăm chuyện phát triển kinh tế để làm sao vươn lên thoát nghèo, để làm giàu, chứ không còn ai nhắc đến chuyện đau lòng năm xưa nữa. Với người đồng bào thiểu số, những thứ thuộc về làng cũ sẽ thường bỏ đi, chỉ như một dòng ký ức buồn…
Tranh thủ những ngày nắng ráo, vợ chồng già Hồ Văn Tin đi làm cỏ rẫy sắn để chuẩn bị thu hoạch. "Cuộc sống người dân Khe Chữ hôm nay đã khác rồi, không ai còn hơi sức mà nhớ lại chuyện cũ đâu. Giờ chuyên tâm làm rẫy, trồng sắn để phát triển kinh tế thôi", già Tin chia sẻ.
Nói là vậy, nhưng khi chúng tôi nhắc về làng cũ, đôi mắt già Tin chợt đượm buồn. Bởi dù sao đó cũng là nơi ông và hơn 100 hộ dân gắn bó suốt hàng chục năm. Làng gần đó, nhưng giờ với họ đã xa lắm rồi. "Ngày dời làng như một cuộc di dân bắt buộc. Không có của cải theo kèm. Với người dân, đơn giản đó là cuộc tháo chạy khỏi sự giận dữ của thiên nhiên", già Tin nhớ lại.
Lặng đi một lúc, già Tin tiếp tục câu chuyện dang dở. Quy định của luật tục là những cái chết do sạt lở, chết sông… được xem là "cái chết xấu". Vì thế, khi sạt lở xảy ra ở nóc Ông Tuân, nhiều người không dám dỡ nhà cũ để tái sử dụng. Chính già Tin cũng định bỏ đi những thứ thuộc về làng cũ. Nhưng cuối cùng, sau sự vận động của các cấp chính quyền, già thay đổi suy nghĩ, cùng các chiến sĩ dỡ khung nhà cũ mang sang vùng đất mới dựng lại.
"Khe Chữ địa hình bằng phẳng, sạch sẽ, an toàn, có đường và cả trường học cho lũ trẻ, sướng gấp mấy lần ở làng cũ. Có nhà mới để ở, lại có thêm điện lưới quốc gia kéo về. Mỗi năm trôi qua, người dân lại có thêm nhiều niềm vui mới. Về đây, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo", giọng già Tin đầy tự hào.
Ngày giỗ làng Khe Chữ được người dân tổ chức đúng vào ngày xảy ra vụ sạt lở núi. Gần 150 hộ dân đều dự. Trong thâm tâm họ, ngày định mệnh khi cả ngọn núi sau lưng làng nứt toác, đổ ập xuống cũng là ngày khai sinh ra làng mới Khe Chữ hôm nay. "Người dân lấy cái ngày định mệnh 6.11 hằng năm để làm ngày giỗ chung. Vào ngày đó, mọi hoạt động vui chơi đều dừng lại như một sự tưởng niệm những người đã mất… Ngày giỗ làng như là lần cuối cùng được ngoái đầu lại phía sau. Để đong đếm. Để cảm nhận. Rồi bắt đầu một chặng đường mới với một cuộc sống bình an, no đủ…", già Tín trải lòng.
Ông Nguyễn Thanh Sơm, Trưởng thôn 2, cho hay từ ngày về làng mới Khe Chữ đến nay, cuộc sống của người dân ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần. Về đây gần khu vực canh tác nên càng thuận lợi. Ngoài cây sắn, đồng bào trồng thêm cây quế, cây ăn quả, làm thêm ruộng nước bậc thang và chăn nuôi... Trung bình mỗi hộ có từ 1 - 2 lao động, thu nhập bình quân khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. Lúc nông nhàn, một số lao động trẻ còn đi làm thêm ở các công trình. UBND H.Nam Trà My cũng quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, điều kiện sản xuất, việc làm...
Đêm xuống, những ngọn đèn điện được thắp sáng ở làng Khe Chữ giữa cái lạnh núi rừng. Khe Chữ vẫn lặng lẽ chuyển mình qua từng ngày, như một cuộc hồi sinh mạnh mẽ.
Bình luận (0)