1.
Con trai vào Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Ừ, trường cũng như nhà, Quảng Nam với Đà Nẵng là bao xa.
Biết không con trai, ngày con vào đại học là ngày hạnh phúc nhất của ba: đường chân trời đã rộng mở trước mắt con, rồi con sẽ có thêm nhiều bạn mới, rồi trong gia tài con sẽ đầy một ngăn tình cảm của cái thời sinh viên nhiều mơ mộng, rồi dẫu “sinh viên là mơ cuộc đời là thực” (thơ Thuận Hữu) thì cái phần giấc mơ ấy vẫn cứ rất cần thiết để đời thực bớt nhọc nhằn…
2.
Chiếc xe máy của con hơi cũ kỹ, tiền học phí có lúc trễ nải vì ba chưa đến kỳ nhận lương, hóa ra quần jeans cũng có năm bảy loại và năm bảy thang bậc…
Con hay nói câu ấm ức: Cái bọn Đà Nẵng…
Con ơi, cái bọn Đà Nẵng ấy rất nhiều người là bạn bè thân thiết của ba, cũng như con, những ngày đi học…
Tháng ngày ba vào Đại học Sư phạm Huế, cái tiếng “bọn Quảng Nam - Đà Nẵng” thật thân thương. Cùng đội sắn đội khoai vượt đèo Hải Vân nhập đất thần kinh, bọn mình là đồng đội. Mỗi kỳ tựu trường, bọn Đà Nẵng chực sẵn ở ga Liên Chiểu, chờ Quảng Nam nhập vào làm một, cùng một toa tàu, ríu ra ríu rít chuyện nhà quê nghỉ hè với tát cá, bắt chim, cắt tranh, đốn củi… Ui, anh đen thui lui hỉ? Anh già cấc như trái mít già, anh chắc sần như cây củi… Rồi bọn Đà Nẵng tranh nhau mấy củ khoai, tranh nhau múi mít chín phơi khô, gặm cục đường đen cách ngon lành…
Suốt bốn năm chuyến tàu chợ Đà Nẵng - Huế chở đầy tình bạn. Mỗi mùa hè chia tay lại cay cay mi mắt. Mỗi mùa thu gặp nhau lại nhí nhố nói cười.
3.
Một năm học trôi qua, gương mặt con có phần tươi tắn hơn, con nói “bạn con ở Đà Nẵng…”
Theo lời con, lòng ba lại râm ran biết bao kỷ niệm…
Rồi ra trường, rồi những mùa chấm thi. Đà Nẵng là nơi tập trung giám khảo. Lại í ới “ui anh, ui em”, “răng không thấy anh Binh, anh Chương”, “răng đợt ni không thấy con Liên Nguyễn, con Kim Thoa…”. Rồi thế nào bọn Đà Nẵng cũng đãi bọn bạn ở xa một chầu bún, một chầu karaoke. Mùa chấm thi lại ấm áp như buổi tựu trường.
Tháng 1.1997 Quảng Nam - Đà Nẵng tách làm hai tỉnh. Như quy luật phân bào sự sống, lát cắt hành chính ấy không chia cắt được cái tình Quảng Nam - Đà Nẵng đằm sâu mà đã nhân lên bao nỗi yêu thương.
Quảng Nam những năm tháng đầu tái lập, cuối tuần có viên chức lui hui thu xếp hành trang về lại Đà Nẵng với vợ con, lại có hành trình ngược chiều Đà Nẵng vào Quảng Nam thăm miền đất mới. Đất ni có chi mà mới? Tụi bạn vẫn thường vô ra đó thôi, mà chỉ là nói tránh, muốn đến để thấm cái khổ của ngày mới tái lập Quảng Nam, để ngủ cùng nhau trên manh chiếu trải giữa nền nhà, để sáng ra hít đầy bụi của những con đường đất, để hì hụi húp bát cháo lòng heo, để cà phê, để cười ha ha…
Chiều chủ nhật lại chia tay, nỗi thương bạn kín dấu trong tư thế y như các chính trị viên đại đội: Gắng lên các đồng chí! Bao nhiêu là sẻ chia trong câu nói bông đùa!
3.
Quảng Nam - Đà Nẵng mần răng mà chia được!
Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn chung một kiêu hãnh của mảnh đất Ngũ phụng tề phi. Vẫn cùng niềm tự hào với tên tuổi Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Vẫn dòng Thu Bồn nối liền một dải đất. Bà mẹ Quảng Nam vẫn hát ru con mỗi chiều:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm
(Ca dao)
Mần răng mà chia được khi cái tên Quảng Nam - Đà Nẵng đã đi vào tâm thức của những người con xa quê. Vẫn niềm yêu thương thấm thía trong lời trữ tình của thi sĩ Tường Linh:
Quê hương tôi phía bên kia đèo Ải
Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn
(Hai miền thương – Tường Linh)
Mần răng mà chia được khi mỗi năm đến ngày giỗ Chạp, ngày Tết nhứt người người Đà Nẵng lũ lượt về lại Quảng Nam thăm quê cha đất Tổ, trầm tư bên phần mộ ông bà, rưng rưng khi nhìn người quê thấp thoáng vẫn còn lác đác mái nhà tranh nhòa cùng cỏ áy bóng tà…
Ba kể con nghe, cụ tổ nhà mình từ xứ Thanh Nghệ vượt đèo Ngang vào đây có ba anh em. Hành trang của cuộc mưu sinh không có gì ngoài nỗi niềm cố xứ nặng trĩu tâm tư. Rồi bác cả ngụ Thăng Bình. Chú hai hướng vào nam biền biệt đến giờ đã bốn trăm năm. Chú ba lần về đường cũ ngụ lại Hòa Vang. Một phần của cục máu xắn ba ngày ly hương ấy đã hòa vào Đà Nẵng hôm nay con ạ!
Gió hát lời ly hương rằng thương rằng nhớ…
Covid vẫn chưa yên cho con trai trở lại trường, con thủ thỉ: Con nhớ Đà Nẵng!
Con trai, hơn một năm thôi mà con đã lớn hung rồi đó, mà hạt yêu thương đã nảy mầm. Ba dõi theo, chờ đợi!
|
Bình luận (0)