Mỗi ha sẽ lãi cả trăm triệu đồng
Chủ vườn mận có diện tích hơn 10 ha tại thung lũng mận Nà Ka (H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La), bà Bàn Thị Mai, cho biết mận trái vụ đã cho thu hoạch gần 1 tháng nay. Thương lái đến vườn thu mua với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Dự báo năm nay, vườn mận nhà bà Mai cho sản lượng khoảng 50 - 60 tấn, tập trung vào chính vụ, bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 5.
Ngoài bán sô tại vườn, mận hàng tuyển từ 12 - 17 quả/kg được nhà vườn bán vào siêu thị với giá cao (mùa vụ năm 2022 giá khoảng 70.000 đồng/kg). "Giá mận đầu mùa năm nay như thế là tương đối cao. Nếu cứ bán đều đều như giá năm ngoái, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc, nhân công thu hái, mỗi ha mận sẽ có lãi hơn 100 triệu đồng", bà Mai nói.
Tại H.Yên Châu (tỉnh Sơn La), địa phương có trên 3.200 ha đất trồng mận, trong đó tập trung phần lớn diện tích trồng mận hậu ruby - thương hiệu mận nổi tiếng của Sơn La, thời điểm này bắt đầu thu hoạch mận chín sớm. Theo ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Yên Châu, những năm gần đây, nhiều nhà vườn chuyển hướng canh tác, tập trung vào kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, H.Yên Châu có gần 1.000 ha trồng mận chất lượng cao, hướng theo tiêu chuẩn của mận ruby.
Hiện tại, mận đầu mùa số lượng chưa nhiều, giá bán từ 60.000 - 100.000 đồng/kg. Với loại mận chất lượng cao ngay cả thời điểm chính vụ, giá bán cũng ở mức cao từ 70.000 - 120.000 đồng/kg. "Dự báo mùa mận năm nay, Yên Châu có sản lượng khoảng 40.000 tấn. Có nhiều vườn mận chất lượng cao bắt đầu cho thu hoạch, chúng tôi kỳ vọng giá bình quân toàn vụ tăng hơn một chút so với giá năm trước. Như vậy, nông dân toàn huyện có doanh thu khoảng 800 - 900 tỉ đồng", ông Dũng nhẩm tính.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bình, chủ vườn mận ở tiểu khu Bản Ôn (TT.Nông trường Mộc Châu, H.Mộc Châu), giá trị vườn mận bây giờ không chỉ đến từ mùa vụ thu quả khi nhiều nhà vườn chủ động quảng bá qua mạng xã hội để thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Giá vé vào vườn tại H.Mộc Châu phổ biến từ 30.000 đồng/người/lượt, nếu đông khách, chủ vườn cũng có nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể.
"Khách du lịch đông nhất vào dịp cuối tuần. Mùa mận chín sớm, khách đến vườn chơi ít, mỗi ngày đón hơn 100 khách; lượng khách tham quan tăng dần từ cuối tháng 4 đến tháng 6 khi có mận chính vụ, vườn nào đông mỗi ngày có thể đón vài trăm khách", ông Bình nói.
Nâng chất lượng để nâng giá trị
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, sau nhiều năm đầu tư xây dựng thương hiệu, bắt đầu từ mùa mận năm 2021, Sơn La đã ra mắt loại mận hậu ruby với tiêu chuẩn quả to (từ 18 - 25 quả/kg), ăn giòn và có vị ngọt đậm; giá bán lẻ tại thị trường Hà Nội lên tới 230.000 đồng/kg vẫn có nhiều người đặt mua.
Trong số những doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu mận ruby, bà Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp sinh thái Ecovi, cho rằng thành công "có phần ăn may" chứ không đến từ quá trình đầu tư bài bản, chỉn chu từ "gốc", nghĩa là bắt đầu từ khâu cây giống cho đến hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho ra trái mận tốt nhất. Vườn mận hậu ruby thực chất đều là vườn mận lâu năm, sau đó hướng dẫn nông dân để thay đổi quy trình chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nuôi cây và đặc biệt là kỹ thuật tạo tán, cắt tỉa giảm lượng quả. Theo đó, quả mận ruby có kích thước to đều nhau, độ đường cao, chất lượng vượt trội so với cây mận trồng truyền thống.
Cũng theo bà Na, thực tế tại Sơn La, những vườn mận chất lượng cao ở vùng trồng tập trung như H.Mộc Châu, H.Yên Châu nông dân bán được giá cao, thu nhập tốt. Tuy nhiên, nhiều vùng còn lại như địa bàn H.Mai Sơn, TP.Sơn La… vẫn có tình trạng nông dân bán mận với giá rẻ, thậm chí phải đổ bỏ. "Để nâng giá trị cây mận, giúp nông dân có thu nhập cao, Sơn La cần tiếp tục đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu, chuẩn hóa quy trình canh tác nâng chất lượng, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, đa dạng sản phẩm từ quả mận", bà Na nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho rằng thành công trong xây dựng thương hiệu mận hậu ruby là chỉ dấu tốt cho địa phương quyết định các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển hướng canh tác, đầu tư sâu vào chăm sóc và hỗ trợ nông dân sản xuất hữu cơ.
Qua so sánh cho thấy, doanh thu 1 ha trồng mận chất lượng cao có thể đạt 500 - 600 triệu đồng, trong khi mận trồng theo cách truyền thống chỉ đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng/ha. Hiện tại, Sơn La hỗ trợ ngân sách đầu tư trồng 300 ha mận chất lượng cao tập trung ở thung lũng Nà Ka, tiêu chuẩn 16 quả/kg. Từ mô hình này, Sơn La sẽ tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân.
Riêng về tiêu thụ mận năm nay, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La chia sẻ thêm: "Ngoài thị trường phía bắc truyền thống, chúng tôi sẽ tập trung đưa mận vào tiêu thụ ở các tỉnh phía nam. Vừa qua, UBNB tỉnh Sơn La đã làm việc và thống nhất với Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce để đưa quả mận vào tiêu thụ trong chuỗi WinMart/WinMart+ ở TP.HCM".
Bình luận (0)