Nông dân Mộc Châu 'may áo giáp' chống mưa đá, bảo vệ vườn mận

20/04/2022 10:07 GMT+7

Các tấm lưới căng như mái nhà độc đáo ở thị trấn nông trường Mộc Châu (H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La) được ví như những chiếc “áo giáp” bảo vệ an toàn cho nhiều vườn mận trong mùa mưa đá .

Chống mưa đá, ngăn sương muối

Con đường vào tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, vắt ngang lưng đồi. Đứng từ trên cao nhìn xuống thung lũng này, nhiều vườn mận giờ đây được căng phủ lưới. Đến đây vào mùa hoa nở, nhiều du khách sẽ có cảm giác tức mắt khi không còn được thấy những vệt hoa nở trắng xóa trải dài. Nhưng với người nông dân ở đây, mỗi tấm lưới này được ví như những manh “áo giáp” giúp bảo vệ vườn mận trước giông lốc, mưa đá từng khiến họ bao phen trắng tay.

Nông dân Mộc Châu chi hàng chục triệu đồng căng lưới bảo vệ vườn mận

Phan Hậu

Anh Hồ Văn Đạt, chủ vườn mận rộng 5.000 m2 ở tiểu khu 12 từ năm 2020, một trong những hộ đầu tiên chi gần 50 triệu đồng mua cọc cắm, căng lưới cho vườn mận, cho biết mùa mận năm 2019 vườn của anh thiệt hại nặng nề do mưa đá. “Đang thu hoạch mận trái mùa, giá bán khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg, cứ 4 - 5 ngày hái được 200 kg, thu về cả chục triệu đồng, nhưng chỉ sau trận mưa đá, mận rụng mất 80 - 90%, năm đó nhiều vườn bị thất thu, lỗ vốn”, anh Đạt kể lại.

Anh Đạt cho biết, giàn lưới căng lên đã qua 3 mùa mận và chứng minh được hiệu quả sau nhiều trận mưa đá với nhiều cường độ khác nhau. Theo ước tính, lượng quả bị rụng chỉ còn khoảng 10 - 20%, mận bị rụng chủ yếu nằm phần rìa lưới, còn bên trong thì gần như không ảnh hưởng. Giai đoạn đầu anh Đạt cũng lo lưới che chắn không tốt cho quá trình quang hợp, sinh trưởng của cây mận, nhưng đến nay, vườn mận phát triển bình thường. “Không chỉ có tác dụng che chắn tốt trước mưa đá, hệ thống lưới này còn ngăn chặn sương muối ảnh hưởng đến cây mận trong mùa đông khắc nghiệt ở Mộc Châu”, anh Đạt nói.

Sáng kiến độc đáo của nông dân trồng mận

Ý tưởng căng lưới cho vườn mận chống mưa đá là từ ông Nguyễn Tiến Dũng, một lão nông ở thung lũng mận Nà Ka. Ông Dũng cho hay, mùa vụ năm 2018, nhà ông thất thu lớn khi vườn mận nằm trọn trong vùng mưa đá. Mãi đến đầu năm 2019, ông Dũng tình cờ cùng người quen đi xem triển lãm ngành thủy sản ở Hà Nội, được nghe giới thiệu về loại lưới đánh cá mắt cáo, độ bền 10 năm dù ngâm trong nước biển, nên nghĩ ngay đến việc dùng lưới này để thử nghiệm chống mưa đá cho vườn mận. “Nhưng khi bắt tay làm thì gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng kể.

Theo ông Dũng, loại lưới này được may gia công tại ở Hà Nội nhưng loại dùng đánh cá thì khổ không lớn. Để căng lên vườn mận thì phải chuyển sang làm khổ lưới rộng 5,4 m. Khi liên hệ với nhà máy, họ không hào hứng với đơn hàng này vì phải điều chỉnh kỹ thuật.

“Dù nhiều lần đi về tận nhà máy gặp gỡ trực tiếp nhưng họ không mặn mà, tôi vẫn kiên nhẫn gọi hàng trăm cuộc điện thoại ròng rã nhiều tháng để họ làm lưới riêng cho mình. Ngày 30 tết Nguyên đán năm 2019, tôi chở được lưới về đến Sơn La. Đến ngày 15 tháng Giêng thì căng lên vườn mận đầu tiên. Căng xong đúng 3 ngày, mưa đá trút xuống rầm rập. Vườn mận nhà tôi có lưới chắn nên nguyên vẹn, trong khi các vườn xung quanh bị vùi dập tan tác. Người dân thấy lạ lắm, kéo đến xem đông như hội”, ông Dũng nói và cho biết tùy vào lựa chọn cọc sắt hay cọc tre, chi phí đầu tư căng lưới khoảng 40 - 60 triệu/đồng/ha và sử dụng được trong nhiều năm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Mộc Châu, đánh giá việc căng lưới chống mưa đá là sáng kiến độc đáo của người nông dân trồng mận ở Mộc Châu khi thời tiết giao mùa từ tháng 3 - 5 những năm gần đây thường có mưa đá. Gần đây nhất, trong tháng 3, mưa đá xuất hiện nhiều nơi ở Sơn La gây thiệt hại nặng nề cho người trồng cây ăn quả.

Cũng theo ông Thành, Mộc Châu là địa bàn trồng mận lớn nhất của tỉnh Sơn La. Cây mận mang lại nguồn thu nhập chính, giá trị kinh tế rất cao, từ 200 - 700 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí đầu tư căng lưới chỉ có vài chục triệu đồng nên nhiều hộ sẵn sàng đầu tư để bảo vệ, phòng ngừa mưa đá.

“Theo ước tính của chúng tôi, mỗi năm diện tích trồng mận được người dân căng lưới ứng phó mưa đá đều tăng rất nhanh, lên tới hàng chục héc ta và cứ năm sau lại tăng gấp đôi năm trước”, ông Thành nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.