‘Đón tết’ một lần nữa

16/04/2022 16:47 GMT+7

Nhân dịp Tết Thái Lan Songkran, đông đảo bạn trẻ cùng thực hiện những nghi thức truyền thống ngày tết và tham quan các gian hàng thủ công, ẩm thực Thái Lan.

Sáng 16.4, Lễ hội Songkran 2022 với chủ đề “Bình thường mới - vui chơi rộn ràng, an toàn với Covid” diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cùng Trung tâm nghiên cứu Thái Lan và Lãnh sự quán Thái Lan phối hợp tổ chức chương trình này.

Toàn cảnh Lễ hội Songkran 2022

Ngọc Long

“Như đón cái tết thứ hai”

Đến tham dự sự kiện từ 9 giờ, Viên Anh Vy (22 tuổi), hiện làm cộng tác viên đối ngoại tại CT Group, TP.HCM, cho biết cô rất hào hứng vì ngưỡng mộ nền văn hóa Thái Lan từ lâu nhưng ở TP.HCM lại có khá ít những sự kiện liên quan. Vy cũng đã học tiếng Thái gần một năm và tự tin có thể giao tiếp hội thoại đơn giản.

Hàng dài bạn trẻ xếp hàng chờ check-in

Ngọc Long

Hòa vào hàng dài bạn trẻ xếp hàng, cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy như đón cái tết thứ hai sau ngày Tết Nguyên đán của nước mình. Mọi thứ đều nhộn nhịp, sôi động và tràn đầy sắc màu. Các món ăn cũng lạ miệng và rất ngon”.

Còn đối với Đào Anh Khoa (23 tuổi), nhà thiết kế đồ họa tự do tại TP.HCM, đây là dịp để anh giải tỏa căng thẳng, cũng như hiểu thêm về nền văn hóa xứ chùa vàng. Khoa chia sẻ có dự định đi du lịch Thái Lan vào tháng 4 năm sau nên muốn biết chi tiết những hoạt động sẽ diễn ra trong dịp tết cổ truyền của nước này.

Các bạn trẻ diện mặc bộ trang phục truyền thống Thái Lan

Ngọc Long

Xúng xính trong trang phục truyền thống Thái Lan, Nguyễn Thị Yến Nhi (sinh viên năm 2 ngành Thái Lan học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), lễ tân sự kiện, cũng rất vui khi có cơ hội họp mặt với bạn bè đồng trang lứa, sau một năm dịch Covid-19 căng thẳng. “Tôi rất mong chờ lễ hội té nước vào cuối chương trình”, nữ sinh viên kể.

Lan tỏa nét đẹp cổ truyền Tết Thái

Đại diện Ban tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Châu, Trưởng bộ môn Thái Lan học, cho biết Lễ hội Songkran là dịp để các bạn sinh viên, những người quan tâm và yêu thích văn hóa Thái Lan có cơ hội tìm hiểu sự phong phú, đa dạng của bản sắc dân tộc, con người Thái Lan.

Yến Nhi hào hứng vì được họp mặt với bạn bè sau một năm dịch bệnh

Ngọc Long

“Chương trình có các hoạt động nổi bật như trình diễn điệu múa dân gian, thực hiện các nghi thức cổ truyền như rửa tay cầu phúc, tát nước, cùng với đó là những gian hàng ẩm thực Thái, hướng dẫn làm sản phẩm thủ công”, tiến sĩ Châu nói.

Các món ăn đặc sản Thái Lan như chè hạt lựu, gỏi đu đủ... được các bạn sinh viên tỉ mỉ chuẩn bị, chế biến

Ngọc Long

Gian hàng thủ công hướng dẫn đan cá chép, làm cờ Lanna - những “biểu tượng” của lễ Songkran - thu hút nhiều quan tâm

Ngọc Long

Nổi bật nhất tại sự kiện là nghi thức rửa tay cầu phúc. Trong không khí thân mật thoảng hương hoa, các bạn sinh viên nhẹ nhàng rưới nước thơm lên tay các vị đại biểu nhằm bày tỏ tình yêu thương và lòng tôn kính, đồng thời xin được ban phúc lành từ những bậc tiền bối.

Nghi thức rửa tay cầu phúc là điểm nhấn của sự kiện

Ngọc Long

Nhiều phụ huynh cũng dẫn theo con cùng vui chơi để theo đó giáo dục về văn hóa xứ chùa vàng

Ngọc Long

Songkran là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch, tương ứng với ngày 13 - 15.4 theo dương lịch. Songkran không chỉ có tại Thái Lan mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia láng giềng khác như: Myanmar, Campuchia, Lào, một số khu vực ở Việt Nam, Trung Quốc, Sri Lanka và Ấn Độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.