Mang bản sắc quê hương lên khán đài

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/03/2024 08:25 GMT+7

Khi nghe những thanh âm từ tiếng trống samphô và tiếng kèn srolai Pinn Peat vang lên réo rắt từ khán đài Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chị Huỳnh Ngọc Hết, quê Bến Tre, quay sang nói với CĐV bên cạnh: 'Đây đúng là thanh âm quen thuộc tôi đã nghe ngày trước, khi có dịp sang Trà Vinh vào mùa lễ hội'.

THANH ÂM ĐỘC ĐÁO, GÂY TÒ MÒ

Lần đầu tiên, dàn nhạc ngũ âm truyền thống của đồng bào người Khmer xuất hiện trên khán đài VCK giải bóng đá Thanh Niên sinh viên VN lần II - 2024 Cúp THACO (TNSV THACO Cup 2024) gây thương nhớ cho đồng bào người dân tộc Khmer đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và tò mò cho đông đảo CĐV các vùng miền khác. 5 chàng trai tên Lâm Tuấn Kiệt, Thạch Minh Rươne, Thạch Bình Trọng, Thạch Sát, Thạch Sô Thia - đều là sinh viên đang học ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ (Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ) của Trường ĐH Trà Vinh đảm nhận "trọng trách" mang các nhạc cụ ra sân Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tiếp sức cho đội bóng trường mình trong mỗi trận đấu ở VCK.

Màn cổ vũ độc đáo của đội bóng miền Tây: Nhạc ngũ âm trên khán đài

Mang bản sắc quê hương lên khán đài- Ảnh 1.

Dàn nhạc ngũ âm trên khán đài sân Trường ĐH Tôn Đức Thắng

ĐỘC LẬP

Trước các pha tấn công của đội Trường ĐH Trà Vinh, các âm thanh réo rắt, trầm bổng của dàn nhạc ngũ âm vang lên, cổ vũ cho các chân sút miền Tây Nam bộ. Hay khi đội Trường ĐH Trà Vinh ghi được bàn thắng, tiếng dàn nhạc ngũ âm - vốn thường chỉ thấy trong các lễ hội, trong các ngôi chùa Khmer Nam bộ vang lên, tạo nên nét đặc biệt, độc đáo hiếm có ở giải bóng đá Thanh Niên sinh viên VN.

Mang bản sắc quê hương lên khán đài- Ảnh 2.

Hình ảnh độc đáo trên khán đài sân Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Mang bản sắc quê hương lên khán đài- Ảnh 3.

Mang bản sắc quê hương lên khán đài- Ảnh 4.

Anh Phạm Tuấn Huy, Phó bí thư Đoàn thanh niên Trường ĐH Trà Vinh, cho biết đây là lần đầu tiên đội bóng đá Trường ĐH Trà Vinh được vào VCK giải bóng đá Thanh Niên sinh viên VN. Ban giám hiệu nhà trường quyết định mang dàn nhạc ngũ âm tới sân bóng đá cổ vũ cho đội nhà, vừa với ý nghĩa chúc các cầu thủ thi đấu hết mình, vừa là cách mang bản sắc của TVU - Trường ĐH Trà Vinh giới thiệu tới đông đảo khán giả cả nước. "Nhạc ngũ âm đã ăn sâu trong máu thịt đồng bào người dân tộc Khmer từ khi sinh ra, thanh âm đã quen thuộc với bao thế hệ, trong các ngày hội, sự kiện trọng đại của quê hương", anh Huy nói.

DÀN NHẠC KHÔNG THỂ THIẾU Ở LỄ HỘI

Chị Kim Hồ Yến Khoa, 27 tuổi, hoa khôi Trường ĐH Trà Vinh năm 2019, cử nhân tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Khmer (Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ), cũng là một khán giả luôn yêu thích giải bóng đá Thanh Niên sinh viên VN từ giải năm ngoái. Yến Khoa cho hay nhạc ngũ âm là niềm tự hào của đồng bào người dân tộc Khmer. Càng thú vị khi năm nay tại VCK TNSV THACO Cup 2024, nhạc ngũ âm có dịp để kết nối các CĐV trên sân, đồng thời giới thiệu với bạn bè gần xa loại hình âm nhạc độc đáo này. "Nhạc ngũ âm thường xuất hiện trong tất cả các lễ hội, ngày trọng đại của người Khmer. Trong các dịp quan trọng, không thể thiếu âm thanh của dàn nhạc ngũ âm nên những thanh âm này đã gắn bó mật thiết và in sâu trong tâm thức, đời sống sinh hoạt của những người dân Khmer", chị Yến Khoa chia sẻ.

Hoa khôi Trường ĐH Trà Vinh cũng giới thiệu nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer (còn được biết đến tên là Pinn Peat) là một dàn nhạc, được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ, được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Khi cùng hòa tấu, các loại nhạc cụ kết hợp với nhau tạo ra âm thanh độc đáo, từ trầm tới bổng, từ du dương, sâu lắng tới réo rắt. Một dàn nhạc ngũ âm truyền thống hoàn chỉnh sẽ gồm loại 9 nhạc cụ là kèn srolai (bộ hơi); đàn rôneat ek, rôneat thung (bộ mộc); rôneat đek (bộ sắt); kuông vông tôch, kuông vông thum, chhưng (bộ đồng); trống samphô, trống skô thum (bộ da). 

GÌN GIỮ NÉT ĐẸP QUÊ HƯƠNG

Anh Phạm Tuấn Huy, Phó bí thư Đoàn thanh niên Trường ĐH Trà Vinh, cho biết hiện nay nhiều người đồng bào dân tộc Khmer có thể tự học và chơi nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm. Tuy nhiên, theo anh Huy, khi muốn trở thành các nghệ nhân, tham gia biểu diễn chuyên nghiệp trong các đoàn biểu diễn nghệ thuật Nam bộ, hay trở thành giảng viên của ngành học này đào tạo tiếp nối cho các thế hệ sau… các bạn trẻ cần thi tuyển vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ của Trường ĐH Trà Vinh. Ngành học này được tuyển sinh, đào tạo từ năm 2017, các sinh viên sẽ học trong 4 năm, nhận bằng cử nhân. Anh Huy cho hay đây là ngành học được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đó thật sự là tín hiệu mừng bởi đang có nhiều người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, cùng cha ông gìn giữ nét đẹp văn hóa quê hương…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.