Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số vào năm 2030

Thu Hằng
Thu Hằng
23/02/2024 16:19 GMT+7

Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy cập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.

Đây là mục tiêu được đặt ra trong quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (TT-TT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Bộ TT-TT công bố ngày 23.2.

Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số vào năm 2030- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị công bố quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

T.T


100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024

Theo Bộ TT-TT, mặc dù Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao.

Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông, đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến. Tỷ lệ này trước đây là 97%.

Trong số 7,3 tỉ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỷ lệ điện thoại thông minh là 63% thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.

Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số.

Đến nay, tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại ASEAN và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.

Phát triển các trung tâm dữ liệu quy mô lớn

Tại hội nghị công bố quy hoạch, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết, quy hoạch ngành TT-TT có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, thực hiện khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; giúp nhà nước hoạch định không gian phát triển, thúc đẩy phát triển hạ tầng TT-TT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11.1, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng TT-TT, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Về bưu chính, mục tiêu đến năm 2025, tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày; hình thành 3 trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày. Đến năm 2030, mục tiêu xây dựng 3 - 5 trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, năng lực khai thác bình quân của trung tâm bưu chính đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày; các trung tâm bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.

Về hạ tầng số, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025, mạng băng rộng cố định bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s; mạng băng rộng di động tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh…

Thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.

Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế; 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu, nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.