Măng độc từ ngâm hóa chất

Chất tẩy trắng và tạo màu mà các cơ sở chế biến măng đang dùng là những loại hóa chất dùng trong dệt nhuộm công nghiệp.

Chất tẩy trắng và tạo màu mà các cơ sở chế biến măng đang dùng là những loại hóa chất dùng trong dệt nhuộm công nghiệp.

Măng được tẩy trắng, ngâm để nhuộm màu (chụp tại cơ sở do bà Nguyễn Thị Hồng làm chủ) - Ảnh: Hoàng ViệtMăng được tẩy trắng, ngâm để nhuộm màu (chụp tại cơ sở do bà Nguyễn Thị Hồng làm chủ) - Ảnh: Hoàng Việt
Ngày 16.1, Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.HCM cho biết đơn vị này liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở dùng hóa chất tẩy trắng và tạo màu công nghiệp để chế biến măng tươi, chặn đứng hàng tấn măng độc chuẩn bị đưa ra thị trường.
Niêm phong hàng tấn măng “độc”
Theo đó, ngày 13.1, các trinh sát PC49 ập vào kiểm tra cơ sở chế biến tại hẻm 61, QL1 (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) phát hiện gần 10 tấn măng tươi, trong đó có 300 kg măng đang được ngâm trong các thùng hóa chất. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (chủ cơ sở) cho biết măng tươi được thu mua về sau đó luộc chín rồi cho vào các thùng phuy ngâm dung dịch nước hòa với hóa chất. Nếu muốn cho măng có màu vàng tươi thì bà Nhỏ chỉ đạo công nhân cho vào các thùng hóa chất tạo màu hòa lẫn với nước để ngâm trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Măng có màu trắng sáng thì cho vào các thùng hóa chất tẩy trắng. Măng thành phẩm được bà Nhỏ đem đi bỏ mối cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.HCM. Chất tạo màu và tẩy trắng được bà Nhỏ mua tại khu vực chợ Kim Biên với giá 26.000 đồng/kg. Với một muỗng canh hóa chất tạo màu vàng hòa vào nước ngâm khoảng 1 tấn măng tươi, 1 muỗng hóa chất tẩy trắng ngâm được 200 kg măng.
Cùng ngày, Đội 3 PC49 cũng đã kiểm tra lò chế biến măng chua tại 61/9, QL22, P.Tân Thới Nhất (Q.12, TP.HCM) do bà Bành Thị Diệu Thảo làm chủ, cũng đã bắt quả tang tại đây đang tổ chức tẩy trắng, ngâm 300 kg măng chua. Kiểm tra kho hàng, đoàn phát hiện khoảng 5 tấn măng chua. Lực lượng chức năng đã niêm phong tạm giữ toàn bộ măng chua đã ngâm, tẩy trắng, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, việc chế biến măng tại lò này ngay nền sàn ẩm ướt, dơ dáy mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Theo một thành viên đoàn kiểm tra cho biết thủ thuật của các lò này là chế biến (tẩy trắng, nhuộm vàng măng) bao nhiêu bán bấy nhiêu. Trong mỗi kho đều chứa hàng tấn, thậm chí cả chục tấn măng tươi đang châm muối, tùy theo lượng khách mua, tùy lượng hàng bán ra mỗi ngày các lò này cho tẩy trắng, nhuộm vàng lượng hàng đủ bán. Số còn lại vẫn là măng… sạch.
Sáng 15.1, PC49 kiểm tra cơ sở chế biến măng Tùng Hương (đường Nguyễn Thị Sóc, xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn, TP.HCM), phát hiện 7 tấn măng tươi và 300 kg măng đang ngâm trong các thùng phuy loại lớn. Bà Nguyễn Thị Hồng (41 tuổi - chủ cơ sở) thừa nhận dùng hóa chất màu vàng không rõ nguồn gốc để nhuộm màu cho măng có màu vàng tươi.
Theo PC49, chất tẩy trắng và tạo màu mà các cơ sở chế biến măng đang dùng là những loại hóa chất dùng trong dệt nhuộm công nghiệp. Đây là những hóa chất bị cấm dùng trong việc chế biến thực phẩm vì rất nguy hiểm cho người dùng. PC49 lập biên bản đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến măng nói trên và lấy mẫu nước thải và nước ngâm măng tại các cơ sở này đi giám định xem mức độ độc hại.
Măng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ
Tổn hại dạ dày, gây thủng ruột, phá nát gan…
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM, cho biết nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất, phụ gia công nghiệp trong sản xuất thực phẩm. Việc dùng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc để ngâm, tẩy trắng, nhuộm vàng măng chua có nguy cơ gây nguy hại đến sức khỏe người dân. Nếu măng chua tại các lò này sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp (chuyên dùng để tẩy vải, giấy…), chất nhuộm vàng (dùng trong sản xuất màu, sơn…) để ngâm tẩy trắng măng, làm đẹp, loại măng này sẽ gây tổn hại dạ dày, có thể gây thủng ruột, tổn hại thận, phá nát gan người dùng. Những loại phụ gia hóa chất công nghiệp này khi vào cơ thể con người có thể tích lũy, tồn dư và kích hoạt hàng loạt bệnh nguy hiểm.
“Dùng chất cấm, chất tẩy, phụ gia, hóa chất công nghiệp trong sản xuất thực phẩm, sản xuất măng là hành vi bị nhà nước nghiêm cấm, xã hội lên án. Cần tịch thu toàn bộ hàng hóa tang vật để tiêu hủy, xử phạt thật nặng chủ hàng”, bác sĩ Xuân Mai bức xúc.
Không thể phân biệt măng sạch - măng “độc” bằng mắt thường
Theo một lãnh đạo công ty chuyên cung cấp mặt hàng măng tại các siêu thị, nhiều cơ sở sử dụng các chất bảo quản rẻ tiền, cực độc như lưu huỳnh, bột sắt để chống mốc và giữ màu cho măng. Cùng mục đích bảo quản để măng nhìn tươi ngon, bắt mắt nhưng các công ty làm ăn chân chính dùng các phương pháp hiện đại, các chất bảo quản được Bộ Y tế cho phép như a xít chanh, bột nghệ, muối... nên sản phẩm đảm bảo vừa đẹp và an toàn thực phẩm, không gây độc hại đến sức khỏe người dùng.
Cũng theo vị này, nếu bằng mắt thường người tiêu dùng không thể phân biệt được măng sạch và măng bẩn. Chỉ có thể phân biệt bằng các máy móc chuyên dụng, như thiết bị sản xuất của các công ty, phòng thí nghiệm, cơ quan chức năng chuyên ngành... bằng các biện pháp nghiệp vụ mới có thể phân biệt được măng sạch và măng bẩn độc hại. Tốt nhất người tiêu dùng nên mua măng của các công ty có thương hiệu, sản phẩm bán tại các siêu thị, bởi để đưa được hàng vào các siêu thị, nhà sản xuất phải cung cấp được các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Mua măng tại các siêu thị, nếu sản phẩm có sự cố người tiêu dùng có thể khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.