Cụ thể, trang thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) đều nhận định Covid-19 lây lan chủ yếu từ người sang người, thông qua các giọt bắn dịch tiết đường hô hấp hay hạt khí dung lơ lửng trong không khí mà người bệnh thải ra. Do đó, khẩu trang là một rào cản vừa đơn giản, vừa hiệu quả, giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, khi bị ướt hay ẩm, khả năng ngăn chặn các nguồn lây nhiễm bệnh của khẩu trang sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo đó, hướng dẫn của WHO nói rõ: “Tất cả các loại khẩu trang cần được thay mới nếu bị ướt hoặc dính bẩn, không nên đeo khẩu trang ướt trong thời gian dài”.
Cùng nhận định này, CDC Mỹ khuyến cáo mọi người phải luôn mang thêm khẩu trang mới để dự phòng và thay ngay nếu cái đang mang bị ướt. Bởi vì khi thấm nước, khẩu trang không chỉ gây khó thở mà còn giảm đáng kể khả năng ngăn chặn mầm bệnh trong không khí.
Giải thích rõ hơn vì sao nước hay hơi nước có thể ảnh hưởng đến khả năng chặn mầm bệnh của các loại khẩu trang, Giáo sư Karol Sikora - cựu Giám đốc Chương trình ung thư của WHO và hiện là Chủ nhiệm Khoa y, Đại học Buckingham (Anh) - nói trên tờ The Times: “Độ ẩm sẽ làm cho khẩu trang trở nên mềm xốp và giãn ra, đây là lý do khiến chúng không còn giữ được khả năng chặn mầm bệnh hiệu quả như ban đầu”.
Ngoài ra, vị chuyên gia còn lưu ý các loại khẩu trang dùng một lần như khẩu trang y tế không được thiết kế để giặt và sử dụng lại. Do đó, đối với loại khẩu trang này, việc tái sử dụng sẽ khiến người mang đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Bình luận (0)