Mang tính thời sự

10/07/2012 09:43 GMT+7

Đối với nhiều giáo viên, các đề thi trong ngày đầu tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 không quá phức tạp và gắn liền với hơi thở cuộc sống, giúp TS cảm thấy hứng thú khi làm bài.

Văn (khối C): Vừa quen vừa lạ

Quen vì cấu trúc đề, kiểu bài thường được đề cập tới trong đề thi nhiều năm vừa qua. Nhưng lạ vì có những điểm mới trong nội dung, cách thức ra đề. Chẳng hạn câu 1 đề cập đến những chi tiết không thể quên trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? dù không có tính chất đánh đố nhưng nếu TS học không kỹ, học tủ thì khó có thể trả lời tốt được.

Kiểu bài tuy quen thuộc nhưng cách thức thể hiện ở câu 3 khá mới lạ. Các năm trước, câu 3.a và 3.b thường đồng dạng về kiểu bài (hoặc so sánh văn học hoặc cảm nhận thơ). Nhưng năm nay, câu 3.a là đề phân tích nhân vật có định hướng, trong khi câu 3.b là so sánh văn học (hai đoạn thơ).

Trần Thúy Liễu
(Trường ĐH Sài Gòn)

Văn (khối D):Mang tính khoa học và thẩm mỹ

Đề thi hay, khoa học, thẩm mỹ và tính tư tưởng rõ ràng. Với cách ra đề này TS không thể học vẹt, học tủ mà phải có kiến thức đầy đủ và sâu sắc cũng như kỹ năng làm bài tốt mới giải quyết được vấn đề. Câu 2 của đề yêu cầu TS trình bày về “thần tượng”, một vấn đề khá quen thuộc và phổ biến đối với giới trẻ. Đề tuy quen nhưng để đạt được điểm cao, đòi hỏi TS phải vận dụng nhiều thao tác lập luận, có dẫn chứng cụ thể, có lý lẽ thuyết phục.

Phan Thị Thanh
(Trường THPT Vĩnh Viễn, TP. HCM)

Lịch sử: Khó với người học tủ

Nhìn chung đề thi tương đối khó đối với những TS học tủ, học vẹt nên sẽ không nhiều TS đạt điểm cao. Chẳng hạn chỉ những TS khá, giỏi mới có thể làm được câu 2 vì TS phải biết khái quát tổng hợp toàn bộ lịch sử Việt Nam. Câu 3 đòi hỏi TS phải biết suy luận mới trả lời được.

Phạm Thu Hà
(Trường THPT Trần Quang Khải, TP.HCM)

Sinh học (mã đề 836): Đơn giản nhưng độc đáo

Một số câu về quần thể - định luật Hacdy-Vanbec như câu 4, 17, 30, 44 lý thuyết đơn giản nhưng cách đặt vấn đề độc đáo nên chỉ những TS có suy luận tốt mới làm đúng. Chẳng hạn như câu 4 có vận dụng phối hợp toán di truyền học con người, toán xác suất. Thường câu hỏi tìm xác suất con bị bệnh nhưng ở đây yêu cầu tìm xác suất của những đứa con bình thường, đây là điểm mới khác so với đề các năm trước.

Câu 41 vận dụng nguyên tắc bổ sung giữa hai mạch đơn của ADN và kỹ năng toán đại số quy về một ẩn nên TS nếu chỉ học thuộc lòng thì không thể làm được câu này. Câu 54 cũng rất hay, TS phải biết vận dụng nguyên tắc bổ sung giữa hai mạch đơn.

Phạm Thu Hằng - Nguyễn Thái Định
(Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Toán (khối B): Học khá cũng khó đạt điểm khá

Đề có độ khó như năm trước, tuy nhiên TS trung bình thì chỉ có thể làm được từ 3 điểm trở xuống.

Trong đó câu 3 đại số, hằng năm thường cho tương đối khó nhưng năm nay có phần nhẹ hơn. TS chỉ cần nhận biết đặt ẩn phụ t=Öx là giải được ngay nhưng phải TS khá giỏi mới đủ khéo léo trong việc chọn đặt ẩn phụ như thế.

Câu 6 chỉ dành cho TS thật sự xuất sắc. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thường chọn dạng câu hỏi về hình học giải tích trong mặt phẳng như câu 7.a để phân hóa học sinh khá giỏi.Đề tuy không khó lắm nhưng TS dù có học khá cũng khó đạt được điểm 7.

Trương Quang Ngọc
(Hiệu trưởng THPT Lạc Hồng, TP.HCM)

Toán (khối D): 70% kiến thức lớp 12

Nhìn chung đề thi “dễ chịu” hơn so với khối A.

Nội dung nằm trong lớp 12 khoảng 70%, 30% còn lại ở lớp 10 và 11. Trong đó câu 6 là khó nhất nhưng vẫn dễ hơn khối A và B. Tuy nhiên đề vẫn có tính phân loại cao với trình độ TS chọn ngành kinh tế.

Có thể dự đoán điểm 10 năm nay dành cho khối D nhỉnh hơn năm rồi. TS trung bình sẽ đạt 5, 6 điểm; khá giỏi 7, 8 điểm, giỏi trở lên có thể đạt 9, 10 điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Vinh
(Trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)

>> Thi ĐH đợt 2: Sáng nay thi môn văn (C, D), sinh (B)
>> Kinh nghiệm làm bài tốt trong đợt 2 
>> Đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ: Tránh những sai sót đáng tiếc
>> Thí sinh ít điều chỉnh sai sót hơn đợt 1
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Được hạ điểm chuẩn xét tuyển
>> Làm thủ tục dự thi đợt 2 ĐH, CĐ: Nhiều trường hợp nhầm lẫn mã ngành
>> Hơn 75% thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 
>> Những lưu ý để làm tốt bài thi ĐH
>> Tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục cao, sai sót nhiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.