Mạnh mẽ thể chế hóa cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

27/11/2023 06:18 GMT+7

Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội sau gần 4 tháng chính thức có hiệu lực, nhiều cơ chế đặc thù quan trọng, có tác động lớn đối với TP.HCM vẫn chưa được thể chế hóa do đụng phải "rừng" quy định pháp lý chung.

Sáng 26.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Ban chỉ đạo), chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm vướng mắc để TP.HCM yên tâm thực hiện cơ chế đặc thùẢnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm vướng mắc để TP.HCM yên tâm thực hiện cơ chế đặc thù

TTXVN

CHẬM THỂ CHẾ HÓA

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đến nay có 2/11 nhiệm vụ của các bộ ngành T.Ư đã hoàn thành, các nhiệm vụ còn lại đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Riêng nghị định phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM thì Bộ Nội vụ dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.

Đối với 22 nhiệm vụ của UBND TP.HCM, đến nay có 7 nhiệm vụ đã hoàn thành, 4 nội dung cơ bản hoàn thành, các nội dung còn lại dự kiến hoàn thành trước ngày 31.12.2023. Một số cơ chế, chính sách đã thực thi gồm: bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm (đã bố trí 2.796 tỉ đồng, giải ngân 1.560 tỉ đồng); chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức mở rộng thêm một số hội đặc thù và cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn; tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức; tăng số lượng phó chủ tịch UBND cho 3 huyện, TP.Thủ Đức và 52 phường, xã.

Ông Phan Văn Mãi đánh giá thời gian qua có sự tập trung, quyết liệt và hoàn thành khối lượng lớn công việc. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thể chế hóa còn chậm, nhiều nội dung mới chưa có khung pháp lý cần thời gian nghiên cứu và sự phối hợp đa ngành.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc cụ thể hóa nhiều chính sách mới cho TP.HCM theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 còn gặp khó khăn, vướng mắc như thí điểm mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông (TOD); thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; nghiên cứu và phát triển, sản xuất chip, bán dẫn; dự án cảng trung chuyển Cần Giờ...

Đơn cử, dự án cảng trung chuyển Cần Giờ chỉ là khu bến tiềm năng phát triển trong quy hoạch tổng thể cảng biển VN, chưa có chức năng cảng trung chuyển quốc tế. TP.HCM đã nộp hồ sơ để Bộ KH-ĐT thẩm định nhưng còn vướng quy định về đất rừng phòng hộ và chưa có trong quy hoạch cảng biển quốc gia. Thế nhưng khi gửi văn bản đề nghị các bộ ngành liên quan giải quyết thì không nhận được văn bản phản hồi hoặc không có ý kiến gì. Ông Nguyễn Chí Dũng lo ngại các thủ tục kéo dài sẽ khiến nhà đầu tư chiến lược nản lòng, không hợp tác với VN làm cảng trung chuyển quốc tế nữa.

Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định về phân cấp quản lý nhà nước, quy định lãi vay dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Các bộ ngành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, điện mặt trời áp mái, ủy quyền cấp lý lịch tư pháp…

CƠ CHẾ ĐẶC THÙ "ĐÁ" LUẬT CHUYÊN NGÀNH

Trao đổi tại phiên họp, lãnh đạo các bộ ngành nêu hàng loạt vướng mắc trong quá trình cụ thể hóa các cơ chế đặc thù do quy định pháp luật chuyên ngành khác nhau. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết việc thanh toán dự án BT bằng tiền không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (luật PPP) nên không có cơ sở để khẳng định thẩm quyền trình tự, thủ tục ký kết và quản lý hợp đồng BT. Chưa kể, việc ký kết, quản lý hợp đồng BT còn có các ý kiến khác nhau của các bộ ngành là áp dụng theo luật Xây dựng hay luật Đầu tư.

Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 đang quyết liệt tìm cách tháo gỡ những nút thắt để phát triển những dự án hạ tầng quan trọng của TP.HCM (Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với nhà thầu thi công tại hiện trường dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 4.2023) ẢNH: NHẬT BẮC

Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 đang quyết liệt tìm cách tháo gỡ những nút thắt để phát triển những dự án hạ tầng quan trọng của TP.HCM (Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với nhà thầu thi công tại hiện trường dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 4.2023)

NHẬT BẮC

Về lãi vay dự án BT, ông Hưng cho biết UBND TP.HCM đề xuất áp dụng trong và sau thời gian xây dựng dự án, trong khi Nghị quyết 98/2023 thì quy định thanh toán lãi vay sau thời gian hoàn thành. Căn cứ Nghị định 10/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo theo hướng hỗ trợ lãi vay sau khi hoàn thành, còn trong thời gian xây dựng thì áp dụng theo luật Xây dựng.

Khi nghe đến vướng mắc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi ban hành cơ chế đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất, chứ đã có cơ chế đặc thù rồi mà khi vướng quy định phải chờ nhau thống nhất thì không còn là cơ chế đặc thù nữa. Theo Thủ tướng, không có nghị quyết, văn bản nào bao phủ hết thực tiễn đời sống, có khi tại thời điểm xây dựng nghị quyết cũng chưa lường trước hết được. Do vậy, tinh thần chung là vận dụng những gì thông thoáng nhất cho TP.HCM, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tham nhũng, tiêu cực về mặt chính sách.

Gợi mở phương án tháo gỡ, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính khi xây dựng nghị định, nếu thấy không thông thì phải báo cáo phó thủ tướng phụ trách, còn nếu không thông nữa thì báo cáo Thủ tướng. "Bây giờ vướng luật PPP, luật Xây dựng, vướng hết cả thì cần gì ban hành cơ chế đặc thù nữa", Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu khi tháo gỡ phải có đầu ra, chứ không thắt nút lại. Trong đó, Bộ Tài chính phải trình Thủ tướng ban hành nghị định về lãi vay dự án BT trong tháng 12.2023, tạo công cụ pháp lý để TP.HCM yên tâm thực hiện.

BỎ NGAY THỦ TỤC RƯỜM RÀ

Trong phần kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong 4 tháng thực hiện Nghị quyết 98/2023, các bộ ngành và TP.HCM có tư duy, nhận thức, cách tiếp cận tốt hơn. Nghị quyết mới đã tạo công cụ, động lực, niềm tin thúc đẩy phát triển TP.HCM đi đúng hướng. Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra ở một số nơi tư tưởng chưa thông, cách làm dè dặt, cách tiếp cận chưa đúng, chưa trúng. Do vậy, sắp tới cần tiếp cận chính sách với tinh thần tấn công mạnh mẽ, chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn. "Thứ nhất là phân cấp, thứ hai là xóa bỏ thủ tục rườm rà, thứ ba là làm cho công việc đơn giản", Thủ tướng nói thêm.

Đối với đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đã có, Bộ GTVT và UBND TP.HCM cần thể chế hóa, đưa vào quy hoạch, hoàn thành trong quý 1/2024. Đồng thời, TP.HCM phối hợp Bộ GTVT và Bộ TN-MT đánh giá kỹ tác động của dự án đến cảng Cái Mép - Thị Vải và rừng ngập mặn trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn tài sản thiên nhiên ban tặng. "Bây giờ kỹ thuật có thể nghiên cứu làm đường trên cao, hay làm tàu điện ngầm dưới lòng sông. Chi phí làm có thể cao hơn nhưng đổi lại bảo vệ được rừng, khai thác được tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Cần Giờ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất áp dụng chuẩn nghèo nâng cao của TP.HCM, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp TP.HCM nghiên cứu tổng thể các tỉnh có chuẩn nghèo cao hơn cả nước, hoàn thành trước ngày 15.12. Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra, TP.HCM có mức sống, thu nhập bình quân đầu người cao hơn thì chuẩn nghèo cũng phải cao hơn. Tuy nhiên, chuẩn nghèo nâng cao cũng cần đặt trong tổng thể, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội để lấy tăng trưởng đơn thuần.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng tình với nhiều đề xuất của TP.HCM về đề án trung tâm tài chính quốc tế, tăng mức tham gia của ngân sách vào dự án BOT, khai thác sông Sài Gòn… và giao các bộ ngành phối hợp TP.HCM giải quyết.

TP.HCM đề xuất thêm phó chủ tịch UBND

Trao đổi tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 cấp T.Ư do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng ban có tính cách mạng rất cao, mới và chưa từng có.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề xuất với Thủ tướng về việc bổ sung thêm một phó chủ tịch UBND TP.HCM chuyên trách để chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 98. Bởi theo ông, hiện bộ máy chính quyền của TP.HCM đang quá sức nên việc tập trung, tham mưu phối hợp các bộ, ngành cũng có những khó khăn. Nếu được đồng ý, TP.HCM sẽ báo cáo xin ý kiến Thường trực Ban Bí thư.

Trao đổi thêm với phóng viên sau phiên họp, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết việc xin bổ sung một phó chủ tịch để tham gia Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 cấp T.Ư nhằm phụ trách kết nối mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo và TP, chuyên trách công tác tham mưu để triển khai nhanh các cơ chế đặc thù. Hiện các phó chủ tịch đương nhiệm đã đảm trách đủ công việc theo quy định chung, trong khi việc thực hiện Nghị quyết 98 là công việc mới, có tính đặc thù. Nếu để các phó chủ tịch đương nhiệm tham gia, "mỗi anh làm một món" sẽ không tập trung. Chưa kể, hiện các bộ ngành cũng không có nhân sự chuyên trách nên vị phó chủ tịch bổ sung này sẽ tăng cường kết nối các bên.

Theo Nghị định 08/2016 của Chính phủ, UBND TP.HCM và TP.Hà Nội có không quá 5 phó chủ tịch, các thành phố trực thuộc T.Ư còn lại không quá 4 phó chủ tịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.