Vào thời điểm mất tích, máy bay Boeing 777 mang số hiệu chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc), chở theo 239 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Gregory Herbert của Đại học Nam Florida (Mỹ) đã nảy ra sáng kiến mới khi xem ảnh chụp mảnh vỡ máy bay bị dạt lên bờ đảo Reunion của Pháp tại Ấn Độ Dương vào năm 2015, tức một năm sau khi máy bay xấu số gặp nạn.
Ông Herbert nhận thấy mảnh vỡ này có nhiều con hà bao phủ. Ông cho biết tính chất hóa học của vỏ hà có thể cung cấp manh mối cho vị trí xác máy bay.
Vỏ hà và những loài động vật biển tương tự đều tăng trưởng theo từng ngày, tạo nên những lớp bên trong tương tự như vòng thân cây. Mỗi lớp vỏ đều có tính chất hóa học dựa vào nhiệt độ của nước biển xung quanh vào thời điểm lớp vỏ hình thành.
Trong nghiên cứu mới đăng trên chuyên san AGU Advances, nhóm của ông Herbert đã thực hiện thí nghiệm trên hà sống để phân tích đặc điểm hóa học của vỏ, và lần đầu tiên hóa giải được thông tin về nhiệt độ của vỏ hà.
Kế đến, họ áp dụng biện pháp đó cho những con hà bám trên mảnh vỡ của máy bay MH370. Nhờ vào sự hỗ trợ của các chuyên gia về hà và các nhà hải dương học thuộc Đại học Galway (Ireland), họ dựng lại được một phần cuộc hành trình trôi dạt của hà bám trên mảnh vỡ. Hành trình này chưa hoàn chỉnh vì nhóm chưa tiếp cận được những con hà lớn nhất và già nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, công cuộc tìm kiếm MH370 đã trải rộng hàng ngàn km dọc theo hành lang bắc-nam gọi là "Vòng cung thứ bảy" của Ấn Độ Dương. Do nhiệt độ nước biển thay đổi nhanh chóng dọc theo vòng cung này, ông Herbert tự tin rằng phương pháp của mình có thể lần ra địa điểm máy bay rơi.
Bình luận (0)