Ðối với những người con đất Việt xa nhà ở tứ xứ, căn bếp luôn đóng vai trò cốt lõi trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Một ngày không được ăn bát cơm, không được húp bát canh là ta đã cảm thấy đó là một ngày không hẳn trọn vẹn.
Ðối với những người con đất Việt xa nhà ở tứ xứ, căn bếp luôn đóng vai trò cốt lõi trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Một ngày không được ăn bát cơm, không được húp bát canh là ta đã cảm thấy đó là một ngày không hẳn trọn vẹn.
Ðặc biệt, với những ai ở Vương quốc Anh, một đất nước có nền ẩm thực nghèo nàn nhất nhì thế giới, thì để có được một bữa ăn ngon không phải là một việc dễ dàng. Và khi đó, đối với người Việt nói riêng, và chắc hẳn người phương Ðông nói chung, căn bếp trở thành chiếc "phao" cứu đói sau ngày làm việc mệt mỏi.
Như đáp lại mong muốn được thưởng thức các món ăn thấm đậm chất Việt Nam cho những ai không có thời gian để nấu nướng trong ngày, các nhà hàng Việt cũng dần mọc lên trên một vài con phố ở đây.
Nổi tiếng nhất ở London thì phải nhắc đến Old Street, còn được mệnh danh là phố Việt Nam vì cứ cách vài căn là có một nhà hàng Việt Nam. Nhà hàng được mở sớm nhất tại đây, cũng như của cả London, mang cái tên mà nếu mới nghe qua sẽ không nghĩ rằng đây là một quán ăn Việt.
Khai trương vào năm 1993, Loong Kee từ lâu đã là một nhà hàng Việt nổi tiếng với món bánh cuốn truyền thống Việt Nam. Do người chủ đầu tiên là một người Hoa gốc Việt, nhà hàng không có tên Việt như các nhà hàng khác mở ra sau này.
Ðiều này cũng dễ hiểu vì vào thời điểm ấy, ẩm thực Việt Nam chưa thật sự được biết đến ở London như các món ăn Trung Hoa. Nhà hàng được mở ra với mong muốn quảng bá ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế. Giờ đây, anh Vũ Mạnh Thắng, quê tỉnh Hải Dương, đời chủ thứ tư của nhà hàng, đã và đang tiếp tục duy trì truyền thống ấy.
Ban đầu, năm 19 tuổi, anh Thắng sang Nga du học, sau đó đến Ba Lan để làm ăn và lập gia đình. Ðến năm 1997, anh đặt chân đến Vương quốc Anh. Không lâu sau đó, anh mua lại nhà hàng Loong Kee. Khi được hỏi vì sao anh lại đến với nghề nhà hàng, anh trả lời: "Do cái nghề đó vận vào người tôi".
Nhà hàng hiện có trên dưới 20 nhân viên, tất cả đều là người Việt mà đa phần là sinh viên, học sinh đến Anh du học. Bên cạnh cung cấp việc làm thêm cho sinh viên, học sinh, nhà hàng còn đứng ra đồng tài trợ một số hoạt động của sinh viên Việt Nam ở một số trường đại học ở đây.
Riêng đối với nhân viên của nhà hàng, anh Thắng chia sẻ rằng cứ đến Tết Nguyên đán, anh lại tổ chức cho mọi người cùng nhau gói bánh chưng, thắp hương, lì xì lấy lộc… để mọi người có được một chút hương vị, một chút hơi ấm quê nhà. "Như vậy vừa giữ được truyền thống người Việt vừa làm nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà của họ" - anh nói.
Khi được hỏi về vai trò của căn bếp trong gia đình, anh Thắng chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng căn bếp Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng như giúp cho mỗi thành viên trong gia đình gần gũi hơn với nhau.
Là một người xa xứ đã lâu (trên 20 năm), tôi lại càng thấy được điều này rõ hơn. Một ví dụ là đối với con của tôi. Chúng được sinh ra ở Anh và còn khá nhỏ. Từ sáng đến tối đều đi học trong một môi trường không có người Việt. Căn bếp là nơi thiết thực nhất giúp tôi giữ gìn và truyền lại văn hóa ẩm thực Việt Nam cho con mình, nhắc nhớ cho chúng biết và để chúng được tự hào là người con đất Việt. Ðến giờ thì đi đâu chúng cũng đòi ăn cơm".
Cứ đến Tết là cả nhà anh Thắng đều thắp hương cho ông bà và lì xì cho con, sau đó có thể cùng một số nhà khác tụ họp lại và nấu một bữa ăn chung.
Do lệch múi giờ với Việt Nam nên khi thắp hương thì cũng chỉ là tượng trưng bởi một phần ý nghĩa của nó bị mất đi vì vào thời điểm ấy, thời khắc giao thừa cũng đã qua. Dù vậy, đối với những người Việt ở đây cảm giác trông đợi đến Tết luôn mãnh liệt và hân hoan hơn so với chờ đợi những ngày lễ khác như Giáng sinh, năm mới vì Tết là nét đặc trưng của quê hương mình.
Với anh Thắng, cảm giác này càng đặc biệt hơn, vì anh rất thích nấu ăn nhưng công việc khá bận rộn nên chỉ có vào dịp Tết mới có thời gian lăn vào bếp để nấu những món ăn truyền thống cho cả gia đình.
Căn bếp, như thế, không chỉ là một nơi để sum họp, để giữ gìn truyền thống và giáo dục thế hệ sau về quê hương của những người con xa xứ. Ðó còn là một mảnh của quê hương trong từng mái nhà mà khi nhớ, ta lại tìm về.
Tìm về với những món ăn xưa kia mẹ ta thường nấu.
Tìm về với những mùi vị quen thuộc.
Tìm về với những bình lặng của quê nhà...
theo Nguyễn An Hòa/Người Lao Động
Bình luận (0)