Công ty chứng khoán (CTCK) làm bậy, thu hút vốn ngoại, nâng chất công ty niêm yết..., thị trường chứng khoán đang có rất nhiều vấn đề cần phải xử lý trong quá trình tái cơ cấu, nâng chất thị trường.
Thời gian giao dịch hay chất lượng hàng hóa?
Sau những thông tin trái ngược về việc có hay không giao dịch chứng khoán kéo dài sang buổi chiều, cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chính thức xác nhận đã có quyết định chính thức về vấn đề này nhưng chưa ấn định thời gian.
|
Đây được xem như một giải pháp nhỏ trong quá trình tái cơ cấu hai Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), đồng thời nhằm tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, hiện tại ngay bản thân các CTCK vẫn đang tồn tại ý kiến đối lập nhau.
Giám đốc môi giới một CTCK ở TP.HCM cho rằng trước mớ hỗn độn cần phải làm khi cải tiến thị trường chứng khoán trong năm 2012, nhà quản lý hãy gác lại các công việc “đao to búa lớn” mà trước hết tập trung vào vấn đề nóng nhất hiện nay của thị trường là tính thanh khoản.
NĐT phải nhìn thấy một tương lai có triển vọng như kinh tế vĩ mô ổn định, LS giảm, DN làm ăn tốt lên thì họ mới đầu tư. Chứ kéo dài thêm giao dịch, rồi lại lướt sóng, đầu cơ... cũng chỉ là giải pháp luẩn quẩn, không mang lại ý nghĩa gì
|
|
Ông Lê Hồ Khôi - Giám đốc CTCK Tràng An |
Bởi hàng phải bày bán nhiều, tiền chảy vào mạnh mới mong các nhà đầu tư (NĐT) phấn khởi họp “chợ”. Trong khi đó, nút thắt lớn nhất là việc rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2 được khẳng định không triển khai sớm do CTCK chưa đáp ứng được công nghệ, chi phí đầu tư trung tâm thanh toán bù trừ tốn kém... thì phải nhanh chóng triển khai giao dịch buổi chiều.
Theo vị này, trước đây các CTCK thường chuyển CP/tiền về tài khoản khách hàng sau 15 giờ 30 ngày T+3, sang hôm sau NĐT mới bán được, nay đẩy lên chuyển về lúc 11 giờ ngày T+3, tạo cơ hội cho NĐT có tiền/chứng khoán bán trong buổi chiều.
Ông Lê Hồ Khôi, Giám đốc CTCK Tràng An, lại cho rằng việc kéo dài thời gian giao dịch chỉ khiến người chơi càng thêm mệt mỏi, còn CTCK tốn thêm chi phí, bởi vấn đề của thị trường không nằm ở thời gian giao dịch mà ở chất lượng của hàng hóa và niềm tin của NĐT.
Theo ông Khôi, chừng nào doanh nghiệp (DN) niêm yết còn sống dở chết dở vì lãi suất (LS) cao, thua lỗ, không có lợi nhuận, kinh tế vĩ mô còn bất ổn thì đừng nói đến chuyện chứng khoán phục hồi. “NĐT phải nhìn thấy một tương lai có triển vọng như kinh tế vĩ mô ổn định, LS giảm, DN làm ăn tốt lên thì họ mới đầu tư. Chứ kéo dài thêm giao dịch, rồi lại lướt sóng, đầu cơ… cũng chỉ là giải pháp luẩn quẩn, không mang lại ý nghĩa gì”, ông Khôi nói.
Về phía NĐT, anh Ngô Khánh Hòa, với thâm niên bám sàn từ 7-8 năm nay, cũng cho rằng ngay từ năm 2000 Sở GDCK TP.HCM đã có ý định giao dịch 3 đợt khớp lệnh vào buổi sáng và 2 đợt buổi chiều, chỉ tiếc là lúc đó không triển khai.
Hiện nay, cứ nhìn vào giao dịch ảm đạm của thị trường UpCom (giao dịch buổi chiều với hơn 60 DN niêm yết) cũng đủ thấy giải pháp tái cơ cấu thông qua “kéo dài giao dịch buổi chiều” chỉ là thứ yếu, không giải quyết vấn đề gì.
“Trảm” CTCK làm bậy
Một trong những vấn đề mà theo anh Hòa, khi tái cơ cấu thị trường phải xử lý ngay các CTCK làm ăn bậy bạ, chiếm dụng vốn của NĐT, mất thanh khoản... “Muốn NĐT tin tưởng bỏ vốn thì ít nhất DN phải làm ăn tốt và nhà quản lý phải có cơ chế đảm bảo được tiền của họ được an toàn”, anh Hòa nói. Vấn đề này, cuối tuần qua Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã chính thức lên tiếng.
Trong vô số biện pháp tái cơ cấu chứng khoán, VAFI kiến nghị nhà quản lý phải có giải pháp bảo vệ NĐT thông qua việc xử lý các CTCK thua lỗ. Trong thời gian gần đây, đã có tình trạng một số CTCK mất khả năng thanh toán trong một số giao dịch (không thanh toán đủ tiền mua chứng khoán cho khách hàng) và bị Trung tâm lưu ký chứng khoán nhắc nhở công khai.
Thực tế, đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu mà Bộ Tài chính giao UBCKNN phải giải quyết ngay trong quý 1/2012, nhưng tới nay tiến độ khá chậm chạp. Mùa báo cáo tài chính năm chưa kết thúc, nhưng số CTCK thua lỗ so với lúc được cơ quan quản lý thị trường công bố hồi cuối quý 3/2011 (80 công ty) không những không giảm mà còn tăng thêm. Tính sơ sơ các công ty đã nộp báo cáo tài chính, số lỗ ước khoảng 2.000 tỉ đồng.
Một vấn đề khác, cũng theo VAFI, cách đây 3 năm UBCKNN có kế hoạch đưa tài khoản tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK để mở tài khoản trực tiếp tại hệ thống ngân hàng thương mại nhằm bảo vệ tuyệt đối tiền của NĐT, đồng thời ngăn chặn việc chiếm dụng vốn, nhưng kế hoạch này không được thực hiện do sự phản ứng của nhiều CTCK. VAFI cũng đã nhiều lần kiến nghị phải tách bạch tài khoản nhưng chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, một thông tin gây sốt trước mùa đại hội cổ đông sắp tới, một số DN đã quyết định sẽ đưa vấn đề xin rút niêm yết ra trước đại hội. Thông tin này như dội một gáo nước lạnh vào thị trường vừa lấy lại được chút ít hưng phấn. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, một trong những giải pháp cần làm thuộc thẩm quyền của UBCK và Bộ Tài chính là phải kiểm soát các DN này và các CTCK nếu không đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi các sàn giao dịch.
Hiện theo ông Hải, có một số DN kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán hay về tỷ giá, rồi có tình trạng định giá tài sản quá cao... Bộ Tài chính cần lập một đoàn thanh tra độc lập thanh tra những DN này để biết được lý do tại sao cần loại những đối tượng này ra khỏi các sàn GDCK.
Anh Vũ
Bình luận (0)