Nhiều năm trước, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển pháo hầu như chỉ bị xử phạt hành chính, nhưng gần đây hành vi nêu trên đối với pháo hoa nổ nhập lậu cũng sẽ bị xử lý hình sự. Những tưởng nạn "buôn" pháo từ bên kia biên giới về sẽ giảm, nhưng thực tế vẫn rất phức tạp. Khi việc buôn mặt hàng này càng khó khăn, dễ dính vào tù tội thì giá của nó càng đội lên gấp bội phần.
Một thông tin khác liên quan đến pháo hết sức đáng ngại là vụ việc 4 em học sinh một xã miền núi của tỉnh Quảng Bình đã phải nhập viện hồi đầu tháng 12 do bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt, cẳng tay, bàn tay, cẳng chân hai bên với diện tích bỏng chiếm khoảng 10 - 20% cơ thể. Nguyên nhân: các em tự tìm hiểu và chế pháo theo hướng dẫn trên YouTube dẫn đến phát nổ.
Gần hơn, hôm 23.12, một vụ nổ lớn xảy ra ở ngôi nhà thuộc xã Thạnh Tây, H.Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Nguyên nhân được làm rõ là nhóm thiếu niên đặt mua pháo qua mạng rồi mang về tự chế dẫn đến nổ. Vụ nổ khiến 1 người tử vong và 5 người khác bị thương.
Việc cấm pháo hoa nổ, không an toàn là cần thiết, các bác sĩ đã khuyến cáo về những tổn thương có thể khi "chơi pháo" là bỏng mặt, cổ, tay, chân, bỏng hô hấp, dẫn đến khó khăn trong điều trị và để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng đến chức năng vận động và chức năng sống về sau, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Mấy năm nay, chúng ta có pháo hợp pháp do Bộ Quốc phòng sản xuất đảm bảo độ an toàn, nhưng cơn sốt "pháo lậu", pháo tự chế vẫn tồn tại. Vì thế, cần có những biện pháp căn cơ hơn, mạnh tay hơn với những người buôn pháo lậu, đồng thời xử lý nghiêm cả những người sử dụng mặt hàng trái phép này.
Bình luận (0)