QUẢNG CÁO MỸ PHẨM, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG PHẢI DÙNG THỬ ?
Chiều 8.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo. Theo đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, "quảng cáo thì phải thổi phồng, ngút trời mây về sản phẩm", người dân vẫn tin vào quảng cáo, nên vẫn có tình trạng lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo. Song theo bà, "bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới quảng cáo e rằng hơi khó. Không nước nào bắt phải dùng thử mới được quảng cáo".
"Có bao nhiêu mặt hàng, riêng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất nhiều. Chưa kể cần thời gian bao lâu mới xác nhận có tác dụng. Chả lẽ người nổi tiếng thừa nhận bệnh này khi dùng thuốc. Đặc biệt khi quảng cáo các loại thuốc tăng cường sinh lý nam giới rất phiền", bà Lan nêu.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng quan trọng nhất là có biện pháp xử lý, có cơ sở pháp lý đủ mạnh để chế tài những hành vi quảng cáo sai sự thật. Bà nêu thêm lâu nay có tình trạng "nắm người có tóc mà không nắm kẻ trọc đầu" khi báo đài chính thống xét duyệt quảng cáo chặt chẽ, nhưng mạng xã hội quảng cáo như bán hàng online, lại không quản lý được.
Tranh cãi về quy định người nổi tiếng phải dùng sản phẩm trước khi quảng cáo
ĐB Phan Thị Thanh Phương (TP.HCM) thì lại cho rằng quy định người quảng cáo phải dùng thử sản phẩm là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật chưa làm rõ trách nhiệm, chủ thể trong hoạt động quảng cáo. "Thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm chất lượng, sản phẩm quảng cáo. Còn người quảng cáo chuyển tải thông điệp của nhãn hàng, người tiêu dùng trên tài liệu, thông tin được cung cấp", bà Phương nêu. Người nổi tiếng khó có khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không. Do đó, nếu quy trách nhiệm liên đới của họ, đối chiếu với luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý khá nặng.
Đặc biệt, về việc xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, ĐB Phan Thị Thanh Phương cho rằng mặc dù các quy định về xử phạt đối với các hành vi này đã được bổ sung vào dự thảo luật, song việc áp dụng trong thực tế vẫn chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe. "Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong", ĐB nêu và đề nghị phải có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe.
KIỂM SOÁT CHẶT HÓA CHẤT ĐỘC HẠI
Thảo luận tại tổ về dự án luật Hóa chất sửa đổi, nhiều ĐB bày tỏ e ngại về tình trạng mua, bán hóa chất quá dễ dàng, gây ra nhiều hệ lụy, cần có giải pháp để ngăn chặn.
ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng công tác quản lý về mua, bán hóa chất thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém, lỏng lẻo. Điển hình là một số vụ việc đau lòng khi đối tượng sử dụng xyanua để đầu độc, sát hại người thân; thậm chí có gia đình 3 - 4 người bị đầu độc. Ngoài hành vi của người phạm tội, ông Hải nhận định nguyên nhân sâu xa là do việc kiểm soát chưa chặt chẽ, "không ở đâu mua xyanua dễ dàng như ở VN".
ĐB Phạm Khánh Phong Lan thì dẫn ra hàng loạt trường hợp dùng a xít để tạt nhau, và đặt câu hỏi về việc những người này đã lấy a xít ở đâu, làm sao mua được? Tiếp tục phân tích, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết chợ Kim Biên (TP.HCM) hiện có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm. Để quản lý, UBND Q.5 và lực lượng quản lý an toàn thực phẩm luôn phải "kè kè" kiểm soát việc mua bán sao cho đúng nhãn mác, nguyên đai, nguyên kiện. Dù vậy, ngoài 16 hộ nêu trên, khu vực chợ còn có rất nhiều hộ kinh doanh hóa chất thông thường, không do ngành quản lý an toàn thực phẩm cấp phép, nên không thể vào để mà bắt quả tang nếu có vi phạm.
Về giải pháp, ĐB Mai Thanh Hải kiến nghị xây dựng một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh hóa chất đặc biệt và hóa chất độc hại. Hiện dự thảo luật Hóa chất sửa đổi mới chỉ quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh hóa chất, nên theo ông Hải cần bổ sung quy định về điều kiện với cả người mua.
Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Quốc Hùng (đoàn Hà Nam) kiến nghị gia cố các điều kiện về vận chuyển hóa chất. Thực tế cho thấy hoạt động vận chuyển hóa chất không chỉ diễn ra trên đường bộ mà còn có đường sắt, đường thủy, do đó cơ quan soạn thảo cần hết sức lưu ý về điều kiện cấp giấy phép cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc vận chuyển hóa chất.
Chính phủ trình 22.500 tỉ đồng chương trình quốc gia phòng, chống ma túy
Sáng 8.11, Phó thủ tướng Lê Thành Long báo cáo tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với số vốn dự kiến 22.500 tỉ đồng. Mục tiêu mỗi năm kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%. Ít nhất 80% người nghiện ma túy được tư vấn cai nghiện; 90% người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ phòng, chống tái nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng…
Thảo luận tại tổ, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, nhấn mạnh ma túy không chỉ là tệ nạn mà là hiểm họa. Đặc biệt, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ thì chuỗi cung ứng được rút ngắn, giảm chi phí, tiếp cận nhanh nên giá ma túy cũng rẻ hơn.
"Ma túy là tội phạm nguồn. Từ ma túy sinh ra cướp, giết, trộm cắp, lừa đảo… 40% đối tượng nghiện ma túy không nghề nghiệp hoặc không có nghề nghiệp ổn định, không có thu nhập, nên để có tiền hút ma túy thì phải trộm cướp, giết người, thậm chí có trường hợp ngáo đá giết cả bố mẹ, vợ chồng, con cái. Khi lên cơn rồi họ sẽ mù quáng…", ông Trung nói và cho rằng cuộc chiến chống ma túy phải kiên trì và lâu dài.
Bình luận (0)