(TNO) Giữa niềm phấn khích của những người đang muốn giải mã bí ẩn MH370, tờ The New York Times (Mỹ) ngày 30.7 dẫn lời các chuyên gia hải dương học nhận định cho dù mảnh vỡ vừa tìm thấy được xác định là của máy bay MH370 đi chăng nữa, nó cũng không thể giúp tìm ra xác máy bay.
>> Vỏ sò bám trên mảnh vỡ là chìa khóa giải bí ẩn MH370?
>> Mảnh vỡ nghi của máy bay MH370 được tìm thấy như thế nào?
>> Ba manh mối cho thấy mảnh vỡ ở đảo Reunion có thể của MH370
>> Phát hiện mảnh vỡ MH370 tại đảo Reunion trên Ấn Độ Dương?
Việc tìm thấy mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370 cũng có thể không giúp được gì cho việc tìm ra xác máy bay MH370 - Ảnh: Reuters
|
Mảnh vỡ đang làm cả thế giới xôn xao sẽ được đưa tới một phòng thí nghiệm ở thành phố Toulouse (Pháp) để các chuyên gia kiểm định trong ngày hôm nay 31.7. Dự kiến các chuyên gia sẽ mất một tuần để có câu trả lời liệu đó có phải là một phần của chiếc máy bay mất tích hay không. Trước đó, mảnh vỡ được phát hiện trôi dạt trên đảo Reunion thuộc Pháp vào hôm 29.7 qua.
Tuy nhiên, ông David G. Gallo - giám đốc dự án đặc biệt tại Viện hải dương học Woods Hole ở bang Massachusetts (Mỹ) - nhận định cho dù mảnh vỡ trên được xác định đúng là của máy bay MH370 đi chăng nữa, nó cũng không thể xác định hoặc phủ nhận giả thuyết đang được chấp nhận nhiều nhất: máy bay có thể đã rơi xuống khu vực ở nam Ấn Độ Dương, ở phía tây nam nước Úc - nơi các đội tìm kiếm đã "đào xới" trong hơn một năm qua.
Chuyên gia Gallo cho rằng một khi được xác định, mảnh vỡ trên chỉ có giá trị khẳng định rằng "người ta đang tìm kiếm một chiếc máy bay đã rơi xuống biển".
David L. Mearns, nhà hải dương học khác, tổng giám đốc công ty trục vớt trên biển Blue Water Recoveries (Anh), nhận định mảnh vỡ có thể từ nhiều hướng khác nhau trôi dạt đến đảo Reunion và không thể lần ngược lại hành trình của nó, cũng không thể dùng nó để xác định được điểm máy bay rơi hay cung cấp các thông tin hữu ích khác cho công tác tìm kiếm.
Blue Water Recoveries là công ty đã tham gia vào nhiều vụ tìm kiếm máy bay rơi trên biển, bao gồm cả chiếc máy bay của Air France đã rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009.
Barry A. Klinger, nhà hải dương học tại Đại học Mason George (Mỹ), tính toán rằng một mảnh vỡ nổi trên mặt biển có thể đi xa từ 2.400 km đến gần 10.000 km/năm. Như vậy, nếu máy bay rơi đúng vào khu vực rộng lớn đang tìm kiếm trên Ấn Độ Dương (cách đây 17 tháng) - vốn cách đảo Reunion khoảng 3.700 km thì khả năng người ta đã tìm kiếm đúng chỗ là có. Khổ nỗi với cách biệt quá lớn giữa con số 2.400 km và 10.000 km kể trên, khả năng tìm kiếm sai chỗ.... cũng có.
Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 là quy mô nhất, tốn kém nhất trong lịch sử nhưng kết quả đến nay vẫn là con số 0 - Ảnh: AFP
|
Với hướng gió và hải lưu thay đổi liên tục, một vật thể, nhất là vật thể nổi trên mặt biển, có thể trôi đi theo nhiều tốc độ, phương hướng khác nhau mà không ai có thể đoán biết được. Hướng đi của nó cũng sẽ thay đổi liên tục. Vật thể ở trên biển càng lâu, khả năng truy ngược lại điểm xuất phát của nó càng thấp.
Nhưng dù sao đi nữa, trong bối cảnh đã 17 tháng trôi qua mà không một tung tích nào được phát hiện liên quan đến máy bay MH370, việc xác định mảnh vỡ trên biển, dù là không có giá trị xác định điểm rơi, cũng có thể phủ nhận một số giả thuyết khác, chẳng hạn như máy bay đã bị... người ngoài hành tinh bắt đi.
Bình luận (0)