Mạo danh bệnh viện lừa tiền người bệnh

23/05/2022 07:40 GMT+7

Không chỉ tung quảng cáo thổi phồng trên mạng xã hội , kẻ bất lương còn giả mạo cả lãnh đạo sở y tế, bệnh viện uy tín… hòng tạo lòng tin và đánh lừa người bệnh. Khi chẳng may mắc bẫy, người bệnh lâm cảnh tiền mất mà bệnh thì vẫn mang.

Bà N.T (60 tuổi, ngụ Bình Phước) là một trong những nạn nhân điển hình của chiêu trò lừa đảo trắng trợn này. Bà T. bị đau xương khớp và tìm thấy quảng cáo trên mạng có loại thuốc trị xương khớp. Theo bà T., loại thuốc này được quảng cáo là của Bệnh viện (BV) Quân y 108 ở Hà Nội nên bà tin tưởng đặt mua để dùng chữa bệnh.

Hai văn bản giả mạo lừa tiền người bệnh

NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

Qua số điện thoại và địa chỉ mà bà T. để lại, đều đặn mỗi tháng bà T. được shipper (người giao hàng) mang đến từ 1 - 2 hộp thuốc có giá từ 10 - 20 triệu đồng. Lấy thuốc và giao tiền đều qua shipper, không hóa đơn chứng từ, sau khoảng 1 năm, bà T. không ngờ mình sập bẫy “kịch bản” lừa đảo.

Tháng 4.2022, có số điện thoại lạ gọi bà T. và bảo rằng bà được “ở trên” duyệt hỗ trợ trả 800 triệu đồng tiền thuốc. Để hưởng số tiền này, bà phải đóng tiền để lo chi phí.

“Ban đầu họ nói đóng 60 triệu đồng và đưa 3 hộp thuốc, bảo khi nào xong việc mới được mở ra, cũng do shipper mang đến và lấy tiền. Sau đó, họ kêu đóng thêm 70 triệu đồng nữa để được hưởng số tiền trên, nhưng khi tôi chuẩn bị đóng thêm 70 triệu đồng thì cháu tôi nói là lừa đảo nên chưa đóng”, bà T. kể.

Dựng kịch bản lừa với văn bản “lạ”

Cũng theo bà T., trước đó, để tạo tin tưởng cho bà, “ở trên” gửi về cho bà 2 tờ giấy xác nhận. Tờ giấy đầu tiên ghi Sở Y tế Hà Nội, xác nhận bà T. có đơn thuốc với 19 con số: 8938525282019233004. Nội dung xác nhận bà T. đóng thuế hoàn thiện thủ tục pháp lý giải ngân. Xác nhận liệu trình cuối cùng với hồ sơ 224. Hỗ trợ rút số tiền 350,2 triệu đồng chi trả với hồ sơ 224. Rút hồ sơ vàng hỗ trợ bên BV Quân y 108. Hồ sơ bệnh án hỗ trợ khám miễn phí 5 năm trên BV đa khoa tỉnh. Người hỗ trợ trực tiếp: Thanh tra Nguyễn Văn Thành.

Cuối tờ giấy có ghi tên Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, có đóng mộc tròn đỏ và bên trong có các chữ: Bộ Y tế chứng nhận sản phẩm chính hãng. Điều lạ nữa là trên đầu văn bản đề “Hà Nội ngày 16.4.2022” nhưng cuối văn bản ghi “ngày 21.2.2022”.

Văn bản thứ 2, phần đầu ghi “Bưu điện tỉnh Bình Phước ngày 14.4.2022”. Biên lai giải ngân (kèm đơn thuốc) cũng với với dãy 19 con số dài ngoằng như trên, nhưng nội dung là: Hỗ trợ bà T. rút 350 triệu đồng chi trả đối với hồ sơ 224, rút hồ sơ hỗ trợ bên BV Mắt T.Ư, hồ sơ bệnh án hỗ trợ khám miễn phí 5 năm ở BV đa khoa tỉnh. Phía dưới bên trái có ghi người hỗ trợ trực tiếp là bác sĩ Trần Văn Minh. Phía dưới bên phải ghi người phụ trách Vũ Xuân Dương, đóng mộc đỏ vuông: Đã thu tiền.

Cháu bà T. cho biết khi bà T. nói mượn 60 triệu đồng để sử dụng vào việc cần, người này đã cho bà T. mượn tiền. Nhưng đến lần thứ 2, khi bà T. mượn thêm 70 triệu đồng để xử lý công việc “bí mật”, người cháu dò hỏi cặn kẽ. Sau đó, bà T. thú thật là “Sở Y tế” gọi cho bà nói có chương trình hỗ trợ hoàn trả tiền như trên. Lúc này, cháu bà T. nói bà bị lừa nhưng bà vẫn không tin. Cháu bà T. phải nhờ một số người khác giải thích thêm thì bà mới tin.

“Tôi gọi lại số đã gọi cho bà T., có người nghe máy. Tôi xưng là con bà T. thì một giọng ngái ngủ nói sẽ gọi lại sau 30 phút. Sau đó, họ trả lời không bán thuốc xương khớp, không quen ai tên T. và thách thức đi báo công an khi gia đình đòi đi tố giác. Mấy ngày sau, số lạ cứ gọi cho bác tôi kêu nộp tiền để hoàn tất hồ sơ. Bác tôi nói không có tiền nữa”, cháu bà T. thông tin.

Còn bà T. thì cho PV Thanh Niên biết, mấy ngày nay “ở trên” không còn liên hệ nữa. Số tiền 60 triệu đồng của bà nhiều khả năng không lấy lại được. Còn 3 hộp thuốc “ở trên” gửi cho bà T. lúc lấy 60 triệu đồng, thì đó là 3 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe liên quan tiểu đường, mắt và xương khớp.

Vẫn bày trò giăng bẫy

Ngày 21.5, trong vai người bệnh, PV Thanh Niên gọi vào số điện thoại mà bà T. cho, để hỏi mua thuốc trị tiểu đường. Người bắt máy tự giới thiệu là “bác sĩ (BS) Lan” của “BV Quân y 108”. “BS Lan” hỏi tình trạng sức khỏe, bệnh tật của PV và tỏ ra am hiểu về bệnh tiểu đường. “BS Lan” tư vấn: “Hôm nay cũng là ngày 21.5 rồi, những ai có hồ sơ vàng bên phía BV thì chắc chắn đến ngày 30.5 này sẽ nhận được hỗ trợ chính sách của hồ sơ vàng là 6 triệu đồng tiền mặt, 1 yến gạo (10 kg - PV), 1 thùng mì tôm. Nếu hiệu quả thành công thì BV bảo hành hiệu quả tiểu đường trong vòng 5 năm, mỗi năm sẽ hỗ trợ bộ liệu trình miễn phí 2 tháng để uống duy trì ổn định, chống tái phát về lâu dài bệnh tiểu đường”.

Tư vấn xong, “BS Lan” nhắc: “Nếu uống thuốc tiểu đường này mà có vấn đề gì thì liên hệ trực tiếp cho tôi - BS Phạm Hòa Lan, BV Quân y 108”. Đáng nói, mặc dù “nổ” là được hỗ trợ chính sách của hồ sơ vàng, nhưng “BS Lan” lại thuyết phục PV phải đóng mức tiền thuốc ban đầu là 2 triệu đồng “để đến ngày 30.5 này, Sở Y tế sẽ về hỗ trợ số tiền 6 triệu đồng”.

“Chúng tôi làm bên BV thì không thể nào làm mất uy tín bên BV được”, “BS Lan” thuyết phục. PV hỏi Sở Y tế Hà Nội hay sở y tế nào hỗ trợ, thì “BS Lan” chắc nịch: “Sở Y tế Hà Nội”.

Sau khi huyên thuyên tư vấn một hồi, “BS Lan” nói tiếp: “Mong muốn sau này khỏi bệnh rồi thì anh làm nhà phân phối thuốc cho BV. Vì hiện nay chỉ chọn mỗi tỉnh, thành phố 2 bộ hồ sơ thôi, anh hiểu chưa? Không phải là ai cũng được”.

Khi PV đề cập chuyện chuyển tiền qua tài khoản khi nhận thuốc, thì “BS Lan” trả lời: “Chúng tôi không làm việc qua tài khoản mà anh bảo là chuyển tiền. Tôi sẽ gửi về cho anh, hiểu chưa. Người giao hàng giao cho anh thì anh thanh toán cho người ta, anh hiểu chưa?”…

“Đừng nhẹ dạ cả tin”

PV Thanh Niên đã chuyển thông tin trên đến các BV liên quan để kiểm chứng. BV T.Ư Quân đội 108 cho biết BV hoàn toàn không triển khai cung cấp thuốc cho bệnh nhân qua bưu điện. Người bệnh được kê đơn thuốc khi đến khám trực tiếp tại BV. Đại diện BV T.Ư Quân đội 108 cho hay, thời gian qua có rất nhiều phòng khám, cơ sở tư nhân, cá nhân mang danh, mạo danh, giả mạo BV TƯ Quân đội 108 để thu hút bệnh nhân. BV T.Ư Quân đội 108 có địa chỉ duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. BV không có cơ sở nào ngoài địa chỉ trên. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mang tên “Quân y 108”, “viện 108”; “viện quân đội 108”… ở các địa chỉ khác đều là giả mạo.

Vì vậy, BV T.Ư Quân đội 108 khuyến cáo người bệnh tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm và cảnh giác với những thông tin giả mạo. Người bệnh có thể theo dõi thông tin chính thức của BV trên trang web benhvien108.vn. Trang web này có số điện thoại để tiếp nhận các phản ánh, thông tin từ người dân, người bệnh để giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ dấu hiệu lừa đảo

Trao đổi với Thanh Niên, TS-BS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định Sở Y tế Hà Nội không có chương trình nào hỗ trợ hồ sơ khám miễn phí với các BV Mắt T.Ư (Bộ Y tế) và BV T.Ư Quân đội 108 (trong văn bản giả mạo có ghi là BV Quân y 108 - PV).

“Chữ ký trong văn bản không phải là chữ ký của tôi”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết và lưu ý trong văn bản giả mạo, con dấu cuối trang là hình tròn có màu đỏ ghi “Bộ Y tế” nhưng ký tên mạo danh là lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, cho thấy hoàn toàn không phù hợp về thủ tục hành chính - văn thư. Vì nếu văn bản hợp pháp đóng dấu của Bộ Y tế thì người ký tên trong văn bản đó phải là cá nhân đủ thẩm quyền của Bộ Y tế ký.

Theo bà Hà, người dân khi có bệnh cần khám, điều trị tại cơ sở y tế; trong đợt dịch có thể khám tại các trạm y tế lưu động; người dân tuyệt đối không mua thuốc không rõ nguồn gốc, không xác định được tính hợp pháp của đơn vị cung cấp sản phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.