Mạo danh ngân hàng, doạ trừ tiền trong tài khoản để lừa đảo

28/05/2021 13:31 GMT+7

Ngày càng xuất hiện nhiều vụ mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản.

Sáng 28.5, anh T.K.H (ngụ Q.4, TP.HCM) bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ số điện thoại thuộc tổng đài SCB (Ngân hàng Sài Gòn) với nội dung viết tiếng Việt, không dấu: "Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu, phí dịch vụ hằng tháng là 2 triệu đồng, sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào http://.scb-vips.com để hủy" kèm theo đường link với tên miền cũng đề SCB. Nói là bất ngờ bởi anh H. không sử dụng tài khoản ngân hàng SCB nhưng có giao dịch với ngân hàng này, vì thế không hiểu thông tin bị lộ từ đâu. 
"Mấy ngày qua theo dõi thấy báo chí đưa tin rất nhiều trường hợp khách hàng bị lừa mất tiền do bấm vào đường link theo tin nhắn từ số tổng đài ngân hàng nên kể cả tin gửi từ tổng đài ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ, cũng phải cảnh giác. Bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều trò" - anh H. ngao ngán.
Trước đó 2 ngày, trên trang web chính thức của ngân hàng SCB cũng đăng tải cảnh báo mạo danh tin nhắn của SCB nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Theo đó, kẻ lừa đảo nhắn tin SMS thông báo khách hàng click vào đường link giả mạo (tại link www.v-scb.com) trong tin nhắn và yêu cầu nhập tên đăng nhâp, mật khẩu dich vụ ebanking để đánh cắp tiền trong tài khoản khách hàng. Đã có trường hợp khách hàng nhấp vào link giả mạo trong tin nhắn và mất tiền. Số tiền này lập tức bị chuyển sang các tài khoản của các ngân hàng khác. Đây là hình thức lừa đảo đã được SCB và các cơ quan chức năng cảnh báo tới khách hàng nhiều lần trong thời gian qua.

Anh T.K.H nhận tin nhắn từ tổng đài ngân hàng SCB dù không có tài khoản ngân hàng này

SCB khẳng định ngân hàng này chỉ có duy nhất địa chỉ website tại đường dẫn: https://scb.com.vn, đồng thời không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook Messenger…). Do đó, khi nhận các yêu cầu truy cập vào các đường link yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, khách hàng hãy xóa và tuyệt đối không bấm vào các đường link này.
"Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; đổi mật khẩu của dịch vụ đã cung cấp thông tin cho kẻ gian; gọi điện ngay đến Hotline 1900 6358/1800 5454 38 cho ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản" - đại diện SCB khuyến cáo.
Đây không phải lần đầu tiên ngân hàng lên tiếng cảnh báo về tình trạng mạo danh này. Trước đó, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu cũng được ghi nhận với một số ngân hàng khác như: Vietcombank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)...
Không chỉ mạo danh tin nhắn ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để thông báo khách hàng gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng; xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện; thông báo khách hàng bị lộ thông tin thẻ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.