Mạo danh ngân hàng hướng dẫn người dùng xác thực sinh trắc học

Thu Hằng
Thu Hằng
06/07/2024 17:59 GMT+7

Lợi dụng chính sách yêu cầu cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến, các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi mạo danh cán bộ làm việc tại ngân hàng, chủ động liên hệ với nạn nhân nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6.7, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra cảnh báo hình thức lừa đảo trực tuyến mạo danh ngân hàng hướng dẫn người dùng xác thực sinh trắc học.

Mạo danh ngân hàng hướng dẫn người dùng xác thực sinh trắc học- Ảnh 1.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt

CỤC AN TOÀN THÔNG TIN

Theo Cục An toàn thông tin, từ ngày 1.7, theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, người dân phải cập nhật sinh trắc học khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Nhiều người dùng, đặc biệt là những người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn khi cập nhật phần mềm.

Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, liên hệ nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... từ đó đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân quan trọng.

Khi liên hệ với người dân, các đối tượng yêu cầu cung cấp các dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng... Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ thực hiện cuộc gọi video nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân.

Sau khi thành công đánh cắp dữ liệu, các đối tượng sẽ dễ dàng đăng nhập được vào các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân, chiếm đoạt tài sản.

Kẻ lừa đảo cũng dụ dỗ người dân tải về các phần mềm giả mạo có chứa mã độc thông qua đường dẫn được đính kèm trong các tin nhắn mà chúng gửi. Khi tải về các phần mềm, đối tượng sẽ dễ dàng theo dõi các thao tác mà nạn nhân thực hiện trên thiết bị của mình, từ đó khai thác sâu hơn các thông tin quan trọng.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt.

"Khi được liên hệ bởi các cá nhân tự xưng là cán bộ ngân hàng, cơ quan công an, người dân cần xác minh lại thông qua số điện thoại được cung cấp trên cổng thông tin chính thống của các đơn vị trên. Tuyệt đối không ấn vào những đường link lạ, không cài đặt phần mềm từ nguồn không xác định", đại diện Cục An toàn thông tin lưu ý.

Ngoài ra, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo với các lực lượng chức năng, cơ quan công an địa phương nhằm truy vết đối tượng và kịp thời ngăn chặn.

Theo chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam, xác thực sinh trắc học là công cụ hữu hiệu chống lừa đảo nhưng không phải là tất cả. Việt Nam là một trong những nước triển khai xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng tương đối sớm. Các nước khác có ngân hàng triển khai có ngân hàng không, nhưng triển khai đồng loạt tất cả ngân hàng thì có thể nói Việt Nam làm rất đồng bộ.

Việc Ngân hàng Nhà nước ra quy định yêu cầu áp dụng xác thực sinh trắc học với các giao dịch từ 10 triệu đồng sẽ hạn chế các tài khoản "rác", tài khoản ảo. Nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Đây là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác".

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nguy cơ các đối tượng lừa đảo thuê người lập tài khoản và thuê chính những người này thực hiện việc chuyển tiền cho chúng. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết các hình thức lừa đảo, cũng như tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân để không trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.

Nhiều người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật

Khảo sát ý kiến người dùng về quy định xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến vừa được Nền tảng truy cập web Cốc Cốc công bố ngày 5.7, cho thấy, khi được hỏi về vấn đề bảo mật thông tin khi áp dụng sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, có hơn 36% người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật, hơn 42% ở trạng thái trung lập và hơn 20% còn lại không lo ngại.

Đặc biệt, có tới 50% người dùng 35 - 44 tuổi lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỷ lệ này ở các nhóm tuổi khác dao động từ 24% - 39%.

Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, có khoảng 1/3 người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, nhưng đa số họ đều đồng ý rằng xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.