Mập mờ các sản phẩm 'na ná' tiết kiệm

24/02/2023 06:26 GMT+7

Nhiều khách hàng gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên ngân hàng tư vấn chuyển sang các sản phẩm khác như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ đầu tư... khiến họ có nguy cơ gặp rủi ro mất tiền khi đơn vị phát hành không còn khả năng thanh toán.

"Chiêu" lãi cao dụ khách gửi tiết kiệm

Thời gian qua, nhiều ngân hàng (NH) ngoài việc huy động vốn truyền thống theo hình thức gửi tiết kiệm thì cũng chào mời khách hàng nhiều sản phẩm khác. Phổ biến nhất là chứng chỉ tiền gửi. Đây là sản phẩm do NH phát hành, thường có lãi suất (LS) cao hơn tiết kiệm ở cùng thời điểm nhưng thời hạn dài hơn và luôn được giới thiệu là dễ dàng chuyển nhượng, tất toán linh hoạt. Đa số chứng chỉ tiền gửi sẽ có thời hạn từ 6 tháng lên đến 36 tháng.

Mập mờ các sản phẩm 'na ná' tiết kiệm - Ảnh 1.

Người gửi tiền tiết kiệm cần tỉnh táo để tránh bị chuyển tiền sang các sản phẩm khác mà không am hiểu

Nhật Thịnh

Chẳng hạn trên trang web của NH TMCP Quốc tế (VIB) có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi được giới thiệu trong cùng mục tiền gửi tại quầy của khách hàng cá nhân với số tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và 5 tỉ đồng. Hiện VIB không công bố LS cho sản phẩm này, nhưng quy định nêu rõ chứng chỉ tiền gửi không được thanh toán trước hạn. Bên cạnh đó, sản phẩm này được chuyển nhượng nhưng khách hàng sẽ chịu phí từ 1 - 3%/năm hoặc tối thiểu 200.000 đồng tùy theo thời gian nắm giữ.

Hay tại ứng dụng NH số của Vietcombank, chị Thanh Ngọc (Q.3, TP.HCM) thấy hiện lên thông tin "Quỹ mở VCBF - Kênh đầu tư dễ dàng và hiệu quả". Theo giới thiệu, Quỹ mở VCBF là kênh đầu tư ủy thác, khách hàng sẽ ủy thác cho quỹ số vốn nhàn rỗi để đầu tư vào thị trường chứng khoán trong dài hạn. Chỉ cần số tiền 100.000 đồng là khách hàng có thể mua được chứng chỉ quỹ (CCQ). Lợi nhuận khi đầu tư vào quỹ được tính trên chênh lệch giá mua và giá bán CCQ. Giá CCQ có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào tình hình đầu tư của quỹ. Đây là hình thức đầu tư không cam kết lợi nhuận. Dù vậy, VCBF giới thiệu các quỹ mà công ty quản lý có tăng trưởng lợi nhuận từ 6,3 - 16,1%/năm. Đầu tư quỹ mở nên cân nhắc là đầu tư dài hạn, VCBF khuyên nên có thời gian đầu tư từ 3 năm trở lên.

Bên cạnh đó, những ngày gần đây nhiều khách hàng phản ánh đã bị "lừa" khi gửi tiền NH nhưng bị chuyển sang thành bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, theo đơn gửi tới Báo Thanh Niên của bà V.T.L.H (Q.3, TP.HCM), tháng 11.2020 bà ra NH TMCP Sài Gòn (SCB) tất toán sổ tiết kiệm thì được nhân viên NH tư vấn tham gia sản phẩm "An tâm đầu tư" với thời gian 7 năm để có LS cao hơn tiền gửi thông thường. Nếu mỗi năm khách hàng đóng 100 triệu đồng thì sau 7 năm tất toán cả vốn lẫn lãi sẽ có hơn 1,1 tỉ đồng. Hơn nữa, khách hàng chỉ đóng tiền năm đầu tiên, những năm sau muốn đóng bao nhiêu cũng được, đóng nhiều thì lời nhiều và được tặng thêm bảo hiểm ốm đau bệnh tật. Khi đó, vì tin tưởng NH nên bà dồn hết tiền lãi vào gốc và đóng luôn 110 triệu đồng.

Sau 1 năm, đến tháng 11.2021, NH lại kêu ra tiếp tục ký hợp đồng đóng tiền năm thứ hai và bà tiếp tục đóng 100 triệu đồng. Lúc này bà bắt đầu nghi ngờ và tìm hiểu kỹ, đọc lại hợp đồng bảo hiểm nhận trước đó thì thấy phụ lục tính toán số tiền sẽ nhận lại được và lãi suất mỗi năm là 8,7%, thấp hơn mức nhân viên tư vấn trước đó là trên 10%. Bà hỏi lại thì nhân viên SCB vẫn cho rằng phụ lục chỉ là giả định còn thực tế mỗi năm đầu tư sinh lời sẽ cao hơn.

Qua nhiều lần tìm hiểu, bà thấy số tiền năm đầu của mình đã được bỏ hết vào bảo hiểm Manulife, năm thứ 2 thì phần lớn vẫn vào bảo hiểm và một phần nhỏ là vào quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife. Hơn nữa, nếu tính đến sau 7 năm thì số tiền của bà vẫn lỗ nếu theo tỷ lệ phân bổ như vậy và có nguy cơ mất trắng. Do đó bà không đóng nữa. "Tôi tin tưởng vào nhân viên NH nên đã tham gia gói "An tâm đầu tư" nhưng ai ngờ đó là bảo hiểm và đã mất tổng cộng gần 200 triệu đồng (bà có rút ra được một phần tiền đầu tư mà sản phẩm đã phân bổ theo hợp đồng - PV). Tôi đã không tham gia bảo hiểm nhân thọ, không mua trái phiếu mà chỉ gửi tiết kiệm nhưng ai ngờ vẫn bị lừa", bà V.T.L.H bức xúc nói.

Nguy cơ mất tiền

Hiện nay nhiều khách hàng đã phân biệt được trái phiếu doanh nghiệp hay bảo hiểm hoàn toàn khác với tiết kiệm. Nhưng chứng chỉ tiền gửi của các NH phát hành là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn nhất. Chị Ngọc Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại câu chuyện của mình mà vẫn còn ngán ngẩm. Trước đây, chị gửi tiền tại SCB và được nhân viên mời chào mua trái phiếu công ty với LS trên 10%/năm. Do thấy trái phiếu rủi ro cao nên chị từ chối, nhân viên quay qua "dụ" mua chứng chỉ tiền gửi của một người đang cần chuyển nhượng. Chị Ngọc Minh được giới thiệu mua với số tiền 512 triệu đồng, LS cao hơn khoảng 2%/năm cộng thêm một phần tiền lãi của người gửi trước đó nhượng lại nên phần tiền lãi lên đến mấy chục triệu đồng. Mấy tháng sau, SCB gặp sự cố (năm 2022), chị Ngọc Minh xem lại thời hạn trên chứng chỉ tiền gửi còn hơn 1 tháng nữa đến hạn, nhưng do lo lắng nên chị yêu cầu nhân viên NH xử lý cho rút trước hạn và mất toàn bộ số lãi trên.

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do NH phát hành để huy động vốn trong dân cư. Nhiều NH thực hiện huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi với LS cao hơn tiết kiệm từ 1 - 2%/năm và có thời hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi là khách hàng không được rút vốn trước hạn dù chấp nhận mất lãi. Khách hàng chỉ có thể cầm cố loại giấy tờ này cho NH và phải trả thêm lãi chênh lệch từ 2 - 4%/năm. Điều này không phải nhân viên NH nào cũng tư vấn cho khách hàng biết.

Nhiều khách hàng cá nhân khi mang tiền ra NH gửi tiết kiệm thường quan tâm nhất là LS như thế nào. Chính vì vậy người gửi tiền rất dễ bị nhầm lẫn với những sản phẩm được hứa hẹn có LS cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhân viên NH cố tình mập mờ, tư vấn cho khách hàng các sản phẩm khác và chỉ nhấn mạnh đến mức lời có thể nhận được mà không đề cập đến rủi ro có thể mất hết tiền.


Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo quy định hiện hành, sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi của các NH đều phải được mua bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức bảo hiểm tiền gửi quốc gia. Tuy nhiên, điều kiện ngặt nghèo là trong khi gửi tiết kiệm có thể được rút trước hạn và chỉ hưởng LS thấp là không kỳ hạn thì chứng chỉ tiền gửi sẽ không được rút trước hạn. Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết chứng chỉ tiền gửi là sản phẩm phổ biến trong hệ thống NH. Mỹ đã phát triển thị trường mua bán chứng chỉ tiền gửi nên tính thanh khoản cao, người sở hữu dễ dàng bán lại sản phẩm này khi cần rút tiền trước hạn. Nhưng ở VN thị trường này chưa có nên thanh khoản của chứng chỉ tiền gửi cũng không có. Người sở hữu chỉ có thể ra NH phát hành để yêu cầu được rút trước hạn, chấp nhận mất hết phần lãi.

Thông thường NH có thể hỗ trợ để tìm khách hàng mới chuyển nhượng lại sản phẩm này, nhưng về nguyên tắc họ có thể từ chối và khách phải chờ đến đúng ngày đáo hạn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng không loại trừ có một số chứng chỉ tiền gửi mà các NH phát hành với kỳ hạn quá dài thì có thể bị "quên" mua bảo hiểm tiền gửi. Khi đó khách hàng lại chịu rủi ro cao hơn vì nó tương đương một giấy nhận nợ như trái phiếu do NH phát hành. "Nhiều khách hàng cá nhân khi mang tiền ra NH gửi tiết kiệm thường quan tâm nhất là LS như thế nào. Chính vì vậy người gửi tiền rất dễ bị nhầm lẫn với những sản phẩm được hứa hẹn có LS cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhân viên NH cố tình mập mờ, tư vấn cho khách hàng các sản phẩm khác và chỉ nhấn mạnh đến mức lời có thể nhận được mà không đề cập đến rủi ro có thể mất hết tiền", ông Hiếu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.