Ngân hàng chạy đua lãi suất nhưng tiền gửi tiết kiệm không tăng

Mai Phương
Mai Phương
28/12/2022 19:48 GMT+7

Chiều 28.12, Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức tọa đàm "Triển vọng kinh tế 2023 - Thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực".

Phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương - cho biết một từ khóa cho kinh tế 2022 là "bất định". Nhiều tổ chức thế giới cũng liên tục điều chỉnh dự báo về kinh tế, lạm phát cho thấy họ cũng vô cùng khó khăn khi đưa ra các báo cáo...

Tọa đàm về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

M.P

Theo dự báo, lạm phát thế giới năm tới vẫn dai dẳng, khó lường nhưng đã giảm đáng kể so với đỉnh cao 2022. Riêng đối với Việt Nam, năm 2023 là áp lực lạm phát giảm nhưng tốc độ tăng xuất khẩu cũng giảm; lãi suất tăng cao; thị trường bất động sản chưa phục hồi; giải ngân đầu tư công vẫn bế tắc; đối đầu giữa Nga và phương Tây có những chuyển biến khó lường; quốc tế hóa đồng nhân dân tệ...

TS Nguyễn Tú Anh nhận định: Bản chất lạm phát của Việt Nam cơ bản là do phần lớn nguyên vật liệu nhập khẩu đã tăng giá cao, tỷ giá tăng khoảng 5% làm hàng hóa sản xuất tiêu dùng bị đẩy lên cao. Nghĩa là lạm phát của Việt Nam hoàn toàn từ bên ngoài. Do đó cần thận trọng nếu đưa ra quyết định hạn chế cung tiền vào nền kinh tế. Động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam vẫn sẽ là tổng cầu trong và ngoài nước phục hồi mạnh. Vì thế, Việt Nam cần phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, những động lực chưa khai thác là đầu tư khu vực nhà nước; du lịch vẫn chưa phục hồi khi lượng khách quốc tế ước chỉ đạt 3,5 triệu lượt, thấp hơn nhiều so với 18 triệu lượt khách của năm 2019...

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng cao

Ngọc Thắng

Đề cập đến cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đã diễn ra nhiều tháng qua nhưng doanh số huy động liên tục giảm trong quý 4/2022, TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - Đại học Quốc gia TP.HCM phân tích : Tổng quy mô vốn huy động độc lập tại TP.HCM vẫn duy trì ở mức tăng 8% - mức ổn định như nhiều năm trước. Quy mô vốn huy động không tăng đột biến, sức hút tiền nhàn rỗi từ dân không cao. Như vậy dòng vốn cơ bản chỉ dịch chuyển giữa các định chế tài chính. Hệ lụy là chi phí vốn không ngừng leo thang, lạm phát khó kiểm soát và hoạt động kinh tế ở nhiều lĩnh vực đang đình trệ. Lãi suất năm 2023 sẽ không tăng nhưng duy trì ở mặt bằng mới cho đến hết năm cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

TS Xuân dự báo kinh tế năm 2023 sẽ có biến động mạnh. Đó là áp lực lạm phát quay trở lại vào cuối 2022 và có thể dao động mạnh ở năm 2023. Nhưng lạm phát của TP.HCM nói riêng và Việt Nam gần như hoàn toàn nhập khẩu của thế giới. Thậm chí, lạm phát của TP.HCM từ quý 1/2023 đến quý 2/2023 còn bị khuyếch đại vì chủ yếu nhập khẩu, tái xuất và vận động hoàn toàn trên đồng USD. Bên cạnh đó, hoạt động bán lẻ sẽ đối diện với cú sốc ngắn ở quý 1/2023 và cần có sự tiếp lửa để phục hồi. Nhóm nghiên cứu đề xuất Chính phủ cần tiếp tục kéo dài tới hết năm 2023 các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực như giảm thuế giá trị gia tăng 2%; giảm hay hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.