Mập mờ thực phẩm hữu cơ

12/03/2014 16:35 GMT+7

Gần đây, thị trường Hà Nội liên tục xuất hiện các cửa hàng quảng cáo bán rau hữu cơ với mức giá cao gấp 5-6 lần so với giá rau cùng loại tại các chợ.

Gần đây, thị trường Hà Nội liên tục xuất hiện các cửa hàng quảng cáo bán rau hữu cơ với mức giá cao gấp 5-6 lần so với giá rau cùng loại tại các chợ. Tuy chấp nhận chi tiền để được ăn rau sạch, nhưng người tiêu dùng vẫn nghi ngại chất lượng loại rau được gọi 'hữu cơ' này.

 Mập mờ thực phẩm hữu cơ
Rau bắp cải hữu cơ có giá đắt gấp 5 lần so với rau bán trên thị trường - Ảnh: Hải Bình

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, không khó để tìm thấy cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ (HC) như Ecofood, Homefood, Goodfood, Tràng An, Bác Tôm…, kèm theo “quảng cáo” là thực phẩm siêu sạch, vườn nông sạch, thực phẩm thực dưỡng hay thực phẩm tự nhiên, giá bán cao gấp 3-6 lần so với sản phẩm đang bán tại các chợ, siêu thị.

Nếu cửa hàng rau HC Tràng An trên phố Lò Đúc, tất cả các loại rau như su hào, cà rốt, bắp cải, cải xong… đều được bán đồng giá 30.000 đồng/kg, thì tại cửa hàng rau Bác Tôm (phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) lại bán với giá từ 29.000-35.000 đồng/kg. Chỉ riêng bắp cải, giá bán tại chợ là 6.000 đồng/kg, siêu thị là 8.000 đồng/kg thì tại cửa hàng Bác Tôm giá bắp cải ghi là HC có giá 32.000 đồng/kg, cao gấp 4-5 lần. “Khủng” nhất là rau đậu Hà Lan, tại cửa hàng Homefood trên phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng bán với giá 62.500 đồng/kg.

Theo các cửa hàng kể trên, rau HC được trồng tại rất nhiều nơi, như Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình) và cả ở Bắc Hà (Lào Cai)... Loại rau này khác rau thường ở chỗ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Sau khi thu hoạch không sử dụng chất bảo quản. Đó là lý do rau đắt đỏ.

Chị Thục Yến, nhà ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai chép miệng: “Chỉ riêng tiền chi cho bát canh đã lên tới vài chục nghìn đồng. Không hiểu rau trồng kiểu gì mà đắt thế. Chắc chỉ bán cho nhà giàu thôi, chứ dân thường lấy đâu tiền để ăn, chưa kể nguồn gốc xuất xứ rau thế nào cũng chưa thể kiểm chứng”.

Ngoài rau, nhiều cửa hàng bán thêm các sản phẩm HC khác với giá vô thiên lủng. Cũng là thịt lợn, một cửa hàng ở phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên bán giá 192.000 đồng/kg, còn cửa hàng ở Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) bán giá 258.000 đồng/kg. Thịt gà nơi bán 280.000 đồng/kg, nơi 235.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Chiêm, trưởng nhóm trồng rau HC thôn Na, xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), một trong những nơi trồng rau HC đầu tiên tại Hà Nội, cho hay các cửa hàng lấy rau về, bán giá như thế nào người trồng rau không rõ. Nhưng tại ruộng, sau khi tính chi phí giống, công chăm sóc, giá thành rau HC bán là 16.000 đồng/kg.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), sử dụng các thực phẩm HC là xu hướng của xã hội hiện đại, rất đáng khuyến khích, đặc biệt trong điều kiện mất an toàn vệ sinh thực phẩm như ở ta hiện nay. Chi phí cao nên giá đắt hơn là tất yếu, nhưng vấn đề ở đây là một số cửa hàng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để mập mờ giữa chất lượng sản phẩm để kiếm lời.

“Tôi từng đi thăm một trang trại trồng rau ở nước ngoài, họ trồng trong rừng, cách ly với khu dân cư. Hằng ngày, nông dân đi xe vào rừng chăm sóc cây, tối lại trở ra. Định kỳ hằng tháng sẽ có cơ quan chức năng đến kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, họ còn mở cửa cho người dân đến xem quy trình an toàn và nếm thử sản phẩm tươi ngay tại ruộng. Đó mới là HC thực sự”, ông Thịnh kể.

Ông Thịnh nhận xét, tại Việt Nam, chưa có một quy chuẩn nào quy định thế nào là thực phẩm HC. Các cửa hàng chỉ giới thiệu chung chung quy trình sản xuất HC, chụp vài bức ảnh minh họa nơi sản xuất, nuôi trồng mà chưa minh chứng giá cả hợp lý hay chưa, trong sản phẩm ấy chất lượng như thế nào, không chứa chất độc hại gì…

Hải Bình

>> Tác động của thực phẩm hữu cơ với trẻ em
>> Chọn thực phẩm hữu cơ
>> Thực phẩm hữu cơ nhiều dinh dưỡng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.