Masan High-Tech Materials phá thế độc quyền vonfram của Trung Quốc

20/06/2022 18:04 GMT+7

Sau 12 năm ra đời, Công ty CP Masan High-Tech Materials chuyển mình mạnh mẽ từ doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản thành nhà cung cấp vật liệu công nghệ cao toàn cầu, đồng thời phá thế độc quyền vonfram của Trung Quốc.

Doanh nghiệp sản xuất vonfram cận sâu lớn nhất thế giới

Ngày 18.6.2010, Tập đoàn Masan đã làm lễ khởi động dự án Núi Pháo (Masan Resources), bắt đầu bắt tay triển khai xây dựng nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản tại Thái Nguyên. Đến cuối tháng 4.2013, dây chuyền khai thác và chế biến khoáng sản tại Núi Pháo đã hoàn thành đi vào hoạt động và sản xuất thương mại từ đầu năm 2014.

Cùng thời điểm đó, Masan đã ký thỏa thuận với H.C.Starck - doanh nghiệp chế biến khoáng sản công nghiệp hàng đầu của Đức, thành lập Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck.

Toàn cảnh tổ hợp khai thác chế biến sản xuất vật liệu công nghệ cao tại Núi Pháo ngày nay

tn

Chính liên doanh này là nền tảng để phát triển một nhà máy chế biến vonfram tích hợp có quy mô lớn tại Việt Nam, có khả năng làm giàu vonfram từ phẩm cấp thấp đến 0,12% trong thân quặng lên một nhóm các sản phẩm kết tinh phức tạp có chứa hơn 80% vonfram tinh khiết, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Theo khảo sát, mỏ Núi Pháo có trữ lượng khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram và khoáng sản khác như florit, bismut và đồng, Việt Nam đã tiến đến phá thế độc quyền về vonfram thế giới của Trung Quốc.

Một dấu mốc đặc biệt khác là tháng 6.2020, Masan Resources công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram toàn cầu của H.C.Starck Group GmbH (HCS). Ngay sau đó, tại đại hội cổ đông thường niên ngày 29.6.2020, Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources) sang tên mới là Công ty CP Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials).

Tổ hợp nhà máy chế biến của Masan High-Tech Materials tại Đức

tn

Thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh Vonfam của Tập đoàn H.C Starck đã mang lại cho Masan High-Tech Materials các trung tâm sản xuất tiên tiến ở các thị trường trọng yếu như NAFTA, EU và APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc.

Theo đó, Masan High-Tech Materials đã sở hữu một nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, vừa có thể mở rộng và nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh và đây cũng là bước đi chiến lược nhằm đưa doanh nghiệp này trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt.

Đến nay, Masan High-Tech Materials đã trở thành nhà cung cấp vật liệu Vonfram tiên tiến công nghệ cao hàng đầu thế giới với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới và trở thành nhà sản xuất các sản phẩm vonfram cận sâu lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Masan High-Tech Materials cũng là nhà sản xuất florit và bismut lớn trên thế giới.

Các sản phẩm Vonfram chế biến sâu của Masan High-Tech Materials

tn

Tập trung tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Theo định hướng sản xuất kinh doanh trong năm 2022, Masan High-Tech Materials tiếp tục tập trung tái chế nguyên vật liệu thô và thực thi sáng kiến trung hòa carbon, thúc đẩy lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp này kỳ vọng đạt doanh thu năm 2022 khoảng 14.500 - 15.000 tỉ đồng, lợi nhuận thuần trước phân bổ cho cổ đông đạt khoảng 300 tỉ đồng đến 500 tỉ đồng.

Về tái chế, Masan High-Tech Materials đã nộp hồ sơ bổ sung xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ tái chế mới đối với bùn chứa coban và chất đen của pin thải. Công nghệ mới này hứa hẹn có thể tái chế nhiều loại bột dụng cụ cắt cứng khác nhau, đồng thời chất đen của pin thải có tác động ít hơn tới môi trường so với các công nghệ tái chế truyền thống. Theo đánh giá của giới khoa học, công nghệ này có tiềm năng “thay đổi cuộc chơi” về tái chế đồng, Coban, Niken, Mangan, Liti... trên thị trường toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất và cung ứng vật liệu công nghệ cao, Masan High-Tech Materials hướng tới sản xuất chế biến sâu, trở thành một doanh nghiệp hàng tiêu dùng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu. Đây chính là mảnh ghép hoàn thiện hệ sinh thái “kết nối vạn nhu cầu” của Tập đoàn Masan.

Nguồn nhân lực chất lượng cao tại Masan High-Tech Materials

TN

Chia sẻ về mục tiêu này, ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials, khẳng định: “Thay vì chỉ cung cấp vật liệu để sản xuất điện thoại thông minh, ô tô, máy bay, hay tàu ngầm, một ngày nào đó chúng tôi sẽ tạo ra sản phẩm tiêu dùng thực tiễn cho các ngành công nghiệp trọng yếu này”.

Ông Danny Le, Chủ tịch HĐQT Masan High-Tech Materials, cũng cho biết doanh nghiệp này sẽ hợp tác với các nền tảng công nghệ tiêu dùng đột phá để tạo ra các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, trong đó vonfram là thành tố chính. “Chúng tôi đặt mục tiêu quan trọng nhất là hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, ở đó công ty có thể tái chế các sản phẩm này để thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả”, ông Danny Le nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.