Masan rót 65 triệu USD vào công ty phần mềm để đẩy mạnh công nghệ bán lẻ

Mai Phương
Mai Phương
28/04/2022 14:05 GMT+7

Sáng 28.4, Tập đoàn Masan công bố hợp tác chiến lược với Công ty Trusting Social để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động.

Sáng 28.4, Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) cùng hai công ty con đã niêm yết là Công ty CP Masan Consumer (MCH) và Công ty CP Masan MEATLife (MML) đồng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2022. Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan - cho rằng Masan không chỉ có nước tương, nước mắm mà đã có một chút công nghệ. Thế giới đang không ngừng thay đổi, công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Thời gian thay đổi sau này sẽ càng nhanh. Masan vẫn thực hiện niềm tin vào mô hình kinh doanh vì các thói quen, nhu cầu của con người không thay đổi nhưng phương thức tiếp cận sẽ thay đổi.

Masan đẩy nhanh ứng dụng công nghệ vào hoạt động bán lẻ

MSN

Dịp này, Tập đoàn Masan công bố hợp tác với Công ty phần mềm Trusting Social để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Cụ thể, Masan đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty CP Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd. có trụ sở tại Singapore. Thỏa thuận hợp tác với Trusting Social góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp từ offline đến online. Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và fintech (công nghệ tài chính) trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội.

Ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan - chia sẻ thêm, công ty đã trải qua 5 giai đoạn để từng bước thay đổi phong cách sống của người Việt và cách thức kinh doanh ở Việt Nam, hợp tác chiến lược với tổ chức tài chính bán lẻ khác tại Việt Nam. Tầm nhìn của Masan là xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ "Point of Life". Đó là kết nối địa điểm mua sắm, dịch vụ tài chính để thanh toán tiện lợi, hệ thống vận tải giao nhận hiệu quả hơn... Ông Danny Le nhấn mạnh: Nhiều thắc mắc vì sao công ty phát triển nước tương, nước mắm mà giờ nói về công nghệ. Masan không phải là công ty công nghệ, nhưng tận dụng, xây dựng mối quan hệ với công ty công nghệ để phát triển hệ thống. Thỏa thuận hợp tác với Trusting Social cũng sẽ giúp Masan phát triển một nền tảng công nghệ đột phá để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam...

Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất cho năm 2022 từ 90.000 - 100.000 tỉ đồng, tăng 22 - 36% so với doanh thu 74.200 tỉ đồng của năm vừa qua. Lợi nhuận sau thuế ước tính từ 6.900 - 8.500 tỉ đồng, tăng 82 - 124% so với lợi nhuận 3.800 tỉ đồng của cả năm 2021. Trong đó, một số mảng kinh doanh mới như Phúc Long dự kiến đạt doanh thu từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng nhờ mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Bên cạnh đó, mạng di động Mobicast/Reddi sẽ hướng đến việc thu hút 500.000 - 1 triệu thuê bao.

Kết thúc quý 1/2022, Masan Group đạt doanh thu thuần hợp nhất 18.189 tỉ đồng, giảm 8,9% so với quý 1/2021 do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi. Lợi nhuận sau thuế của Masan Group tăng 452,5%, lên 1.895 tỉ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.596 tỉ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng hệ thống WinCommerce trong 3 tháng đầu năm nay đã mở mới 109 điểm bán và có kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong quý 2/2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.