Mất 10 tỉ đồng vì cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo

Thu Hằng
Thu Hằng
22/07/2024 16:42 GMT+7

Mặc dù Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã cảnh báo nhiều lần về thủ đoạn giả danh công an yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công, song vẫn có nhiều người dân bị 'sập bẫy'. Mới đây, một người đàn ông ở Hà Nội đã mất 10 tỉ đồng trong tài khoản.

Cục An toàn thông tin cho biết, Cơ quan CSĐT Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh công an yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công.

Mất 10 tỉ đồng vì cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo- Ảnh 1.

Người dân cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo

CỤC AN TOÀN THÔNG TIN

Theo đơn trình báo của anh T. (trú tại Q.Cầu Giấy), mới đây anh có nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an, yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công "giả mạo".

Sau khi cài đặt xong, anh T. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 10 tỉ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo vẫn hay sử dụng là giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan công an để làm việc.

Với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng sẽ thúc ép để người dân phải khẩn trương tải phần mềm dịch vụ công "giả mạo", do đối tượng cung cấp.

Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Trước đó, đầu tháng 3, anh D. (trú ở H.Gia Lâm, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Công an Q.Long Biên (Hà Nội) hỗ trợ xử lý căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục. Do đang ở xa nên anh D. hẹn ngày hôm sau sẽ lên phường giải quyết.

Vì thấy phần mềm có giao diện gần giống với giao diện Dịch vụ công trực tuyến nên anh D. hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Ngay sau đó, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo và đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội.

Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, người dân nên đến trực tiếp công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.

Ngoài ra, người dân không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại; thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.