Mất an ninh lương thực vì xung đột ở Ukraine

Khánh An
Khánh An
04/08/2023 06:00 GMT+7

EU và Ukraine cáo buộc Nga vũ khí hóa ngũ cốc, trong khi Moscow cho rằng phương Tây mới là bên gây mất an ninh lương thực toàn cầu.

Tờ The Guardian ngày 3.8 đưa tin Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo rằng Nga đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Nga không gia hạn sau khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hạn hôm 17.7, đồng thời Moscow cũng đẩy mạnh tấn công cơ sở hạ tầng xuất khẩu lương thực của Ukraine. Trong khi đó, Moscow đưa ra tuyên bố trái ngược.

Mất an ninh lương thực vì xung đột ở Ukraine - Ảnh 1.

Một kho ngũ cốc tại cảng biển ở khu vực Odessa (Ukraine)

Reuters

Giá lương thực tăng

Theo Reuters, vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga hôm 2.8 đã phá hủy các tòa nhà ở cảng Izmail (tỉnh Odessa, Ukraine), khiến các tàu lấy ngũ cốc phải dừng đến cảng này. Phó thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết gần 40.000 tấn ngũ cốc dự kiến xuất sang các nước châu Phi, Trung Quốc và Israel đã bị hư hại. Viết trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng "Nga một lần nữa tấn công các cảng, ngũ cốc, an ninh lương thực toàn cầu". Trong khi đó, Hãng thông tấn Nga RIA Novosti khẳng định cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc bị tấn công là nơi trú ngụ của lính đánh thuê nước ngoài cũng như chứa khí tài quân sự của Ukraine.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 525 có diễn biến gì nóng?

Sau vụ tấn công, giá lúa mì Chicago (Mỹ) tăng gần 5% do lo ngại về nguồn cung, trước khi giảm trở lại do xuất khẩu mạnh của Nga. Theo AP, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc khiến nhiều nước lo ngại về nguồn cung lương thực. Chi phí lương thực tại Ai Cập đã dẫn đến khủng hoảng chi phí sống, khi lạm phát trong tháng 6 đạt mức kỷ lục 36,8%, còn giá lương thực tăng 64,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Li Băng nhập khẩu 90% lúa mì từ Ukraine, và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết đồng nội tệ của nước này đã mất giá 90% so với năm 2019, trong khi giá lương thực thuộc hàng cao nhất thế giới.

Thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy giá ngũ cốc giảm 23% khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được thực thi, nhưng tăng 15% trong 2 tuần qua. Theo phát ngôn viên WFP Abeer Etefa, việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sụp đổ là "cú sốc không cần thiết đối với 345 triệu người đối diện tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp trên toàn cầu".

Tranh cãi tác nhân

EU cảnh báo với các nước đang phát triển rằng Nga đang đề nghị bán ngũ cốc giá rẻ "để tạo sự lệ thuộc mới bằng cách làm trầm trọng thêm các lỗ hổng kinh tế và gây mất an ninh lương thực toàn cầu". Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi các nước đang phát triển và G20 thúc đẩy Moscow quay lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen và ngừng nhắm vào hạ tầng nông nghiệp Ukraine. "Giữa lúc thế giới đối phó nguồn cung bị gián đoạn và giá cả cao hơn, Nga đang tiếp cận các quốc gia dễ bị tổn thương bằng các đề nghị song phương về ngũ cốc với giá chiết khấu, như thể giải quyết vấn đề do chính họ tạo ra", theo ông Borrell.

Tổng thống Putin hứa tặng hàng chục nghìn tấn ngũ cốc cho châu Phi

Quân Ukraine gặp khó trên thực địa

Reuters ngày 3.8 dẫn lời giới chức Ukraine cho hay lực lượng Nga chưa đạt bước tiến nào ở tiền tuyến, nhưng cố thủ trong các khu vực dày đặc mìn do họ kiểm soát, khiến các binh sĩ Ukraine gặp khó trong nỗ lực tiến lên ở hướng đông và hướng nam. Báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng phía Ukraine gặp trở ngại ở tiền tuyến do thời tiết mùa hè khiến cây cối mọc um tùm, giúp quân Nga ẩn nấp và phòng thủ hiệu quả hơn, cũng như khiến việc tháo gỡ mìn khó khăn hơn.

Tại Kyiv, không quân Ukraine ngày 3.8 cho hay hơn 20 UAV của Nga đã bị phá hủy trong đêm thứ 8 liên tiếp nhằm vào thủ đô Ukraine. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá âm mưu "tấn công khủng bố bằng UAV" và bắn rơi 6 chiếc tại vùng Kaluga cách Moscow chưa đến 200 km. Hai bên chưa bình luận về thông tin của đối phương.

Trong một diễn biến khác, trang The Kyiv Independent dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay "công thức hòa bình" của Kyiv đang thu hút sự ủng hộ trên thế giới. Nội dung nổi bật trong đề xuất này là Nga rút quân, trả lại những vùng đã kiểm soát, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và an toàn hạt nhân. Tuy nhiên TASS dẫn lời cố vấn Celso Amorim của Tổng thống Brazil cho hay chưa có sự đồng thuận nào về đề xuất trên.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev lại cho rằng các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Moscow đe dọa "hậu quả thảm khốc" đối với thị trường lương thực toàn cầu. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực toàn cầu không thể giải quyết được nếu phương Tây vẫn áp đặt "những chướng ngại phi pháp" đối với doanh nghiệp Nga, theo tờ Rossiiskaya Gazeta. Một tín hiệu lạc quan là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2.8 đã đồng ý về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tờ Daily Sabah dẫn lời Tổng thống Erdogan, Ankara sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Điện Kremlin cũng xác nhận hai bên sẽ thảo luận về thỏa thuận này, dù chưa xác định thời điểm cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.