Mất điện và mất điểm

22/11/2014 05:45 GMT+7

Thực ra, không cần đợi đến "sự cố hy hữu" như thừa nhận của Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh về sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 20.11, sân bay VN mới "mất điểm". Chất lượng, dịch vụ, giá cả, thái độ... của ngành hàng không nhiều năm qua vẫn luôn là nỗi ám ảnh của không ít hành khách trong nước và quốc tế khi đã trải nghiệm thực tế.

Mất điểm đầu tiên là tình trạng "chặt chém" với nhiều sản phẩm, dịch vụ được bán với giá trên trời nhưng chất lượng hết sức khiêm tốn. Việc này kéo dài nhiều năm và chỉ đến khi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trực tiếp chỉ đạo thì giá tô phở, tô hủ tiếu, chai nước suối, ổ bánh mì... trong sân bay mới chịu giảm xuống. Rồi tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến vì nhiều lý do chủ quan có, khách quan có cũng làm phiền lòng không ít hành khách. Việc này cũng chỉ giảm mạnh khi đích thân bộ trưởng vào cuộc. Rồi thì sự cố hạ cánh nhầm, sân bay bị dột, dụng cụ vệ sinh để ngay trên hành lang, nhà vệ sinh không sạch sẽ, thời gian chờ lấy hành lý kéo dài... Bình chọn của du khách về chất lượng dịch vụ của 2 sân bay trọng điểm của nước ta phần nào đã nói lên điều cần phải sửa đổi.

Tất nhiên, chẳng ai thích bị chê, lãnh đạo Cục Hàng không cũng vậy, họ cũng lập tức phản ứng, cho rằng đánh giá này là chưa khách quan. Nhưng đến sự cố mất điện khiến vùng thông báo bay TP.HCM mất quyền điều hành bay hơn 1 tiếng ngày 20.11, sân bay TSN tê liệt, không chuyến bay nào từ TSN có thể cất cánh cũng như các chuyến bay ở sân bay khác có thể tới đây trong khoảng thời gian này, thì có thể khẳng định ngành hàng không trong nước "mất điểm" một cách quá rõ ràng.

Nhưng chuyện "mất điểm" không quan trọng bằng nỗi lo lắng về an toàn sau sự cố được đánh giá là chưa từng xảy ra trên thế giới này. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, điện ở các sân bay phải được bảo đảm 100%. Chẳng thế mà điện nói riêng và hầu hết các hoạt động của máy bay đều phải có từ 2 - 3 phương án dự phòng. Nhưng phương án dự phòng đã không thể thực hiện dẫn đến sự cố mất điện kéo dài tới hơn 1 giờ đồng hồ mới được khắc phục. Biết bao rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra trong khoảng thời gian đó, khi trung bình mỗi ngày TSN có tới trên 300 chuyến bay? Nghiêm trọng hơn, sự cố này có thể sẽ ảnh hướng lớn đến uy tín của ngành hàng không VN trong mắt các du khách, các nhà đầu tư...

Trách nhiệm của những người liên quan đến sự cố này chắc chắn cũng sẽ được làm rõ. Nhưng việc đình chỉ, kỷ luật hay cách chức một cá nhân, tập thể nào đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ngành hàng không cần một cuộc tái cấu trúc toàn bộ cả về chất và lượng, mà mấu chốt cuối cùng chính là yếu tố con người.

Nguyên Khanh

>> Mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất: Không lưu Hà Nội điều hành bay
>> Mòn mỏi chờ người thân do mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất
>> Mất điện tại sân bay, hơn 1.000 hành khách bị ảnh hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.