Sản phẩm của 2 học sinh này vừa đoạt giải ba tại hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 26, do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và một số đơn vị tổ chức.
Giúp người khiếm thị có thêm tự tin
Theo Huy, người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập, làm việc, sinh hoạt và cập nhật thông tin. Huy và Nhật đã dành nhiều thời gian đi khảo sát thực tế tại một số trung tâm và các hội dành cho người khiếm thị và nhận ra những người khiếm thị cần một thiết bị, trong đó có một số chức năng quan trọng như hỗ trợ di chuyển, tìm kiếm đồ vật, nhận diện vật thể, đối tượng, tiền mặt, đọc sách và tìm kiếm thông tin.
“Thế nên cả hai đã lên ý tưởng tạo ra chiếc mắt kính thông minh tích hợp trợ lý ảo (Google Assistant) và thị giác máy tính (Computer Vision) để hỗ trợ những người khiếm thị...”, Huy chia sẻ.
Nghĩ là một chuyện, nhưng để biến suy nghĩ thành sản phẩm thực tế không đơn giản. Hai chàng trai lại dành thời gian để bàn tính và đặt ra nhiều câu hỏi như: Liệu có thể tạo ra một thiết bị tích hợp trợ lý ảo và thị giác máy tính hỗ trợ người khiếm thị? Làm sao áp dụng các thuật toán Deep Learning hỗ trợ xử lý dữ liệu thu được từ thiết bị?...
“Đó là quãng thời gian khó khăn của tụi mình, nhất là trong giai đoạn học hành, thi cử rất nhiều. Nhưng vì quyết tâm làm để giúp những người khiếm thị nên cả hai đã nỗ lực hết sức mình”, Nhật nhớ lại.
Nhật và Huy lại tận dụng tối đa thời gian còn lại để tìm kiếm tư liệu về thuật toán Deep Learning trong thị giác máy tính, trợ lý ảo, cách tích hợp các công cụ trí tuệ nhân tạo vào Raspberry Pi, phương pháp kết nối thiết bị IoT...
|
Nhiều tính năng nổi trội
Chỉ trong thời gian ngắn, hai chàng trai đã thành công trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào mắt kính thông minh cho người khiếm thị.
Đó là chiếc mắt kính được tích hợp trợ lý ảo có khả năng tìm kiếm thông tin, trò chuyện với người khiếm thị, gọi các tính năng mà nhóm đã xây dựng cho mắt kính như mô tả môi trường trước mắt người sử dụng, tìm kiếm đồ vật, hỗ trợ người khiếm thị di chuyển và nhận diện người thân, vật thể, tiền mặt, đọc sách...
Huy cho biết thiết bị có cấu tạo đơn giản, không cầu kỳ, với máy tính nhúng (hay còn gọi là Raspberry Pi 3), webcam, pin sạc dự phòng, tai nghe, cảm biến hồng ngoại... Tuy nhiên, với sự kết hợp của camera và công cụ trí tuệ nhân tạo, cụ thể là thị giác máy tính cùng với trợ lý ảo, mắt kính sẽ tương tác với người dùng, xử lý thông tin rồi truyền kết quả qua tai nghe.
“Rất nhiều tính năng mà mắt kính có thể giúp được như: tìm kiếm, gợi ý thông tin (thiết bị trả về các thông tin theo yêu cầu), đọc sách (thiết bị đọc các đoạn văn bản), hỗ trợ người khiếm thị di chuyển (thiết bị sẽ mô tả các vật cản phía trước, xác định khoảng cách đến vật cản), tìm đồ vật trong nhà (hỗ trợ xác định vị trí đồ vật), nhận diện người quen (thiết bị nhận diện và cho biết danh tính của người quen), hay nhận diện tiền mặt (thiết bị nhận diện mệnh giá tờ tiền), nhận diện biểu cảm khuôn mặt (thiết bị nhận diện biểu cảm người đối diện đang hạnh phúc, đang sợ hay đang buồn…”, Huy giới thiệu.
Sau khi hoàn thành sản phẩm, Huy và Nhật đã đem đến Hội Người mù TP.HCM để trình bày, thử nghiệm thiết bị, đồng thời nghiên cứu thêm về các khó khăn của người sử dụng. “Rất mừng là sản phẩm đem lại độ chính xác khá cao, được các cô chú phản hồi tích cực. Tụi em cũng được góp ý thêm để có thể cải thiện sản phẩm”, Nhật khoe.
Theo Nhật, sản phẩm sáng tạo của họ có nhiều ưu điểm là áp dụng các thuật toán Deep Learning để hỗ trợ người khiếm thị; có tích hợp trợ lý ảo tương tác với người khiếm thị; góp phần hỗ trợ người khiếm thị một số tính năng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày; giúp người khiếm thị thoải mái, tự tin hơn trong cuộc sống…
Hai nam sinh rất muốn nhân rộng sản phẩm này đến với đông đảo người khiếm thị tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Bình luận (0)