Mất mạng do ăn tái, sống: Không dễ nhận diện bệnh

18/07/2014 06:00 GMT+7

Nhiều trường hợp nhiễm sán, ký sinh trùng do ăn đồ tái, sống không dễ chẩn đoán, có khi còn bị chẩn đoán nhầm dẫn đến nguy hiểm tính mạng!

Những biểu hiện nhiễm sán, ký sinh trùng 

 
Cấp cứu người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo từ tiết canh tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP.HCM), với những trường hợp nhiễm sán, ký sinh trùng ở đường ruột do ăn đồ tái, sống thường có biểu hiện người hay mệt mỏi, uể oải, ăn uống nhiều mà vẫn xanh xao. Có trường hợp triệu chứng không rõ ràng, người bệnh khó biết, nhưng có thể phát hiện đốt sán vương ở quần trong, ngứa hậu môn… Còn với trường hợp sán, ký sinh trùng tấn công lên não sẽ có những biểu hiện chung của thần kinh là đau đầu, nôn ói…

TS-BS Nguyễn Thu Hương, Phó trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), lưu ý nếu 7 - 10 ngày sau ăn thịt heo mà có biểu hiện sốt, đau nhức cơ, đau đầu, tiêu chảy có thể phù mắt, phù chân nên khám, xét nghiệm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hợp (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), nếu nhiễm sán lá phổi (do ăn tôm, cua nước ngọt  chưa nấu chín), biểu hiện chính là ho kéo dài, có khi nhiều tháng, nhiều năm; ho ra máu đỏ tươi hoặc nâu…

TS-BS Siêu cho rằng: “Nhiều trường hợp không dễ xác định loại sán, ký sinh trùng gây bệnh. Với loại sán dải bò thì xét nghiệm, đem đốt sáng định danh, thử phân... Còn sán tấn công não nhiều khi cần chụp MRI, hay chọc dò dịch tủy sống. Với nhiễm giun dưới da, có khi phải làm sinh thiết, hoặc phải điều trị thử 1 tuần xem có đáp ứng…”. TS-BS Nguyễn Thu Hương cho biết để chẩn đoán giun xoắn (nhiễm do ăn tiết canh…) có thể tìm thấy giun xoắn khi xét nghiệm phân, trong bệnh phẩm sinh thiết cơ. Với nhiễm sán lá phổi, theo bác sĩ Nguyễn Thị Hợp cần xét nghiệm tìm trứng sán trong đàm, phân hoặc dịch màng phổi; xem hình ảnh tổn thương trên phim phổi…

 

Nếu không được chẩn đoán đúng, bệnh nhân nhiễm giun xoắn heo có thể tử vong. Với nhiễm liên cầu khuẩn heo, ban đầu có sốt cao, nổi ban tím dưới da... dễ lầm với sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Thị Hợp, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương

Mổ cắt mật, phát hiện ổ sán lá gan

Theo các bác sĩ, chẩn đoán các bệnh nhiễm sán, ký sinh trùng có khi nhầm lẫn chết người. TS-BS Hồ Văn Hoàng, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định), cho biết không ít người bệnh nhiễm sán lá gan bị chẩn đoán nhầm ung thư gan, khiến người bệnh suy sụp, hoang mang. Cụ thể, có một bệnh nhân là cán bộ cấp sở, ban đầu được bác sĩ địa phương chẩn đoán ung thư gan, đưa lên BV tuyến trên vẫn chẩn đoán y như vậy. Sau đó, bệnh nhân đi xét nghiệm lại ở một nơi khác và được chẩn đoán là mắc sán lá gan lớn, không phải ung thư gan. Sau một tháng điều trị, bệnh nhân đã tăng 11 kg, hiện tại sức khỏe bệnh nhân tốt, làm việc, sinh hoạt bình thường. Một trường hợp khác là bệnh nhân ở TP.HCM bị viêm túi mật, được chỉ định cắt bỏ túi mật. Khi đưa dụng cụ vào túi mật thì phát hiện và lấy ra được 5 con sán lá gan lớn, to bằng ngón tay cái đang ngọ nguậy. Một trong 5 con sán này đã được gửi về Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn lưu trữ.

Tương tự, TS-BS Trần Thanh Dương (Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), nói: “Không ít bệnh nhân chỉ được phát hiện nhiễm sán lá phổi sau thời gian dài điều trị lao phổi không khỏi. Có bệnh nhân nam 53 tuổi nhập viện với tình trạng ho ra máu, đã điều trị lao phổi nhưng không đỡ, sau đó xét nghiệm lại xác định bị nhiễm sán lá phổi!”. Đáng nói hơn, bác sĩ Nguyễn Thị Hợp cho biết có bệnh nhân bị sán lá phổi tới 30 năm điều trị không khỏi bệnh do chẩn đoán nhầm. Các chuyên gia lưu ý sán lá phổi có thể bị chẩn đoán nhầm là lao phổi khiến bệnh nhân không điều trị khỏi. Với bệnh giun xoắn cần chẩn đoán loại trừ với các bệnh viêm da, viêm cơ, viêm phổi, cúm… “Nếu không được chẩn đoán đúng, bệnh nhân nhiễm giun xoắn heo có thể tử vong. Với nhiễm liên cầu khuẩn heo, ban đầu có sốt cao, nổi ban tím dưới da… dễ lầm với sốt xuất huyết”, bác sĩ Hợp nói.

Bỏ món đặc sản vì sợ nhiễm sán lá gan !

Ở tỉnh Phú Yên có món ăn đặc sản gỏi cá diếc, nổi tiếng một thời, nhưng hiện nay nhiều người sợ ăn món này vì dễ nhiễm sán lá gan nhỏ. “Cá diếc nhỏ hơn hai ngón tay được bắt về thả trong chậu, quấn cá sống bằng bánh tráng kèm rau sống, gia vị, hành, tỏi rồi ăn khi cá còn đang quẫy.

 

Món gỏi cá diếc rất ngon, nhưng nó là nguyên nhân chính mắc bệnh sán lá gan nhỏ”, bác sĩ Châu Khắc Toàn, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (BV đa khoa tỉnh Phú Yên), cảnh báo. Theo bác sĩ Toàn, trứng sán lá gan nhỏ có trong đường mật, nếu ăn cá sống, tái, ấu trùng sẽ vào đường ruột sau đó xâm nhập vào ống mật, trở thành sán lá gan nhỏ trưởng thành và gây bệnh.

Đức Huy 

Một người nhiễm sán, phải điều trị cả gia đình

Việc xử lý bước đầu nếu lỡ ăn đồ tái, sống nghi nhiễm sán, ký sinh trùng hay không đảm bảo vệ sinh, theo lương y Vũ Quốc Trung là cần làm mọi cách gây nôn ra; uống nhiều nước để làm loãng độc chất; uống than hoạt tính để hấp thu chất độc; sau đó đến cơ sở y tế gần nhất.

Còn việc điều trị, theo các bác sĩ, tùy thuộc nhiễm loại sán, ký sinh trùng nào, tùy thuộc vào bộ phận bị ký sinh trùng tấn công (dưới da, ruột, não, phổi, gan, hay mắt...), mà sẽ có phác đồ điều trị riêng của từng chuyên khoa. Chẳng hạn, với người bị nhiễm sán dải bò, theo TS-BS Siêu việc điều trị không khó, nhưng phải trị dứt điểm không chỉ người bệnh mà điều trị cho cả những người thân cùng nhà, nếu không mầm bệnh (nang trứng) từ người này tiếp tục lây cho người khác. Ngoài ra, phải luộc nước sôi tấm trải giường, áo gối, quần áo của cả gia đình trong nhiều ngày để loại bỏ nang trứng sán.

Thanh Tùng - Liên Châu - Tâm Ngọc

>> Ký sinh trùng từ ốc tấn công não người
>> Cách mới tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét
>> Nguy hiểm ký sinh trùng Toxoplasma
>> Khô mực nhiễm khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.