(TNO) Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tình trạng người dân địa phương công khai khai thác và buôn bán đá cảnh đã diễn ra từ nhiều năm nay có phần là do sự làm ngơ của cơ quan chức năng địa phương.
Để khai thác được những phiến đá đẹp như thế này, nhiều người dân đã phải bỏ mạng
hoặc chịu cảnh tàn tật suốt đời - Ảnh: Dương Trang |
Trong các loại đá cảnh, đá mồ côi thuộc dạng khó định giá nhất, bởi vẻ đẹp của nó thường phải nguyên bản, không bị cắt, gọt... Nếu người mua thấy ưng ý, người dân có thể bán được giá cao, nếu không thì số tiền thu lại có khi chỉ hòa vốn. Đá ngọc và đá vân đỏ được thợ chế tác lại, đục, đẽo thành những hình dạng khác nhau để bán cho khách.
Đá ở đây thường được chở trực tiếp đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… để tiêu thụ.
Ông Sổng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, cho biết: Hiện ở địa phương có hai địa điểm khai thác đá cảnh nổi tiếng là khu vực Suối Lóp và Giàng Cao. Khu Suối Lóp tập trung khối lượng lớn đá ngọc và đá vân xanh, vân đỏ, trong khi ở Giàng Cao tập trung chủ yếu là đá mồ côi. Người dân địa phương thường khai thác đá để bán cho dân buôn từ Yên Bái đến Hà Nội.
Theo anh Vàng A Thầu, một người dân bản địa: “Cách đây 4 năm, bãi đá Giàng Cao mỗi ngày thu hút cả trăm người đến đào đất tìm đá mồ côi. Nay đá khan dần, dân lại chuyển sang ngọn núi khác khai thác. Mặc dù đường vận chuyển khó khăn hơn trước nhưng mà chúng tôi vẫn phải làm mới có cái ăn, nếu không thì chết đói”.
Khai thác, mua bán công khai
Theo lời kể của người dân địa phương, việc khai thác đá cảnh diễn ra công khai từ 10 năm nay. Thỉnh thoảng chính quyền địa phương có đi truy bắt nhưng mới dừng ở mức xử phạt. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác đá trái phép vẫn diễn ra và diễn biến phức tạp là do sự thiếu kiên quyết từ các cơ quan chức năng địa phương trong xử lý vi phạm.
|
Bằng chứng là hàng chục cơ sở chế tác đá cảnh nằm ngay dưới chân núi thuộc địa phận thị trấn Văn Chấn, gần các cơ quan chức năng vẫn công khai thu mua. Rải rác theo con đường từ trung tâm huyện Văn Chấn đến đỉnh Suối Giàng có hàng chục điểm tập kết đá trái phép với khối lượng lớn, nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng truy bắt.
Nổi tiếng nhất trong các bãi tập kết đá cảnh trái phép trên đoạn từ Suối Giàng đi Văn Chấn là khu vực km5. Địa điểm này là nơi trung chuyển hàng ngàn khối đá cảnh từ Suối Giàng tỏa khi các nơi trong địa bàn Yên Bái. Nhiều người dân địa phương phản ánh: Điểm tập kết đá tại Km5 đã mọc lên từ nhiều năm nay nhưng không hiểu sao vẫn không bị cơ quan chức năng “phát hiện”?
Ngược lên khu vực gần UBND xã Suối Giàng cũng có nhiều địa điểm thu mua, kinh doanh các loại đá cảnh.
Đá cảnh bị cơ quan chức năng huyện Văn Chấn thu giữ - Ảnh: Nam Anh
|
Để vận chuyển đá ra ngoài, người dân buộc hẳn khối đá lên cáng tre rồi tập trung 5 - 6 người khiêng như kiến tha mồi. Khi bị cơ quan chức năng truy đuổi thì vứt đá bỏ chạy... Đá cảnh ở đây không tồn tại tập trung, quy mô lớn mà rải rác quanh các quả đồi. Cho nên việc ngăn cấm người dân đến khai thác đá là rất khó.
Bình luận (0)